Chờ sóng cổ phiếu ngân hàng

23/11/2024
Cổ phiếu ngân hàng đã có một tuần giao dịch khá thành công với 15/27 mã tăng giá. Trong đó có 6 mã có mức tăng từ 8-35%, mang lại kỳ vọng mới cho nhóm cổ phiếu vua trong tuần tới.

VN-Index vừa trải qua một tuần giao dịch với nhiều diễn biến giằng co trong bối cảnh sự phân hóa giữa các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn chưa kết thúc. Đóng cửa tuần giao dịch, VN-Index giảm 21,02 điểm (-1,19%), đạt mức 1.452,35.

Phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu chính đều sụt giảm trong tuần qua, như nhóm nguyên vật liệu giảm 8,5% giá trị vốn hoá hay cổ phiếu tiện ích cộng đồng với mức giảm 6,1% giá trị vốn hóa, do đà giảm của các trụ cột trong ngành như GAS (-10,2%).

Tuy nhiên, nhóm ngân hàng có diễn biến ngược chiều với thị trường, đặc biệt trong phiên cuối tuần, mang lại những kỳ vọng cho nhóm cổ phiếu vua. HDB, VPB, CTG, TCB, ACB, VIB đã trở thành những mã cổ phiếu chính dẫn dắt, nâng đỡ, hãm đà rơi của thị trường trong phiên cuối tuần.

Chờ sóng cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 1.

Thống kê giá giao dịch tuần qua của nhóm cổ phiếu ngân hàng cho thấy, có 15/27 cổ phiếu tăng giá, với mức tăng từ 0,3-35%. Trong đó nổi bật có PGB đã tăng 35%/tuần với 5 phiên tăng liên tiếp lên mức 37.700 đồng/cp, trước những đồn đoán về "game" thâu tóm.

Ngoài ra, một số mã ngân hàng có mức tăng trưởng từ 8-11% trong tuần gồm: VBB (+11,2%), SGB (+10,1%), BVB (+8,7%), NAB (+ 7,9%), HDB (+7,9%).

11 mã ngân hàng giảm giá trong tuần qua, trong đó: SHB (-1,9%), SSB (-1,9%), VPB(-1,5%), EIB (-1,4%), VCB (-1,1%), OCB (-1,1%).

Đánh giá về triển vọng cổ phiếu ngân hàng trong tuần tới, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, khó có thể nói rằng dòng ngân hàng có thể tạo sóng lớn trong tuần tới hay không nhưng có điểm sáng là 2 tuần giao dịch trở lại đây đã có hiện tượng phân phối nhóm cổ phiếu penny khi ở những phiên giảm mạnh, dòng cổ phiếu penny giảm mạnh nhất với khối lượng khớp lệnh tăng đột biến. Tuy nhiên, thông thường hiện tượng phân phối không thể tạo đỉnh ngay lập tức trong thời gian ngắn mà sẽ kéo dài mất vài phiên, sau đó dòng tiền sẽ dịch chuyển nhóm cổ phiếu blue.

"Tuần tới dòng tiền có thể dịch chuyển dần từ penny sang blue nhưng chưa rõ ràng. Tuy nhiên, kỳ vọng sóng cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ quay trở lại vào quý IV, vì quý III đa có thể coi là mức tạo đáy. Kỳ vọng cũng đến từ việc Chính phủ sẽ sớm đưa gói kích cầu, đẩy sản xuất, tiêu dùng tăng trở lại. Tăng trưởng tín dụng được mở rộng về cuối năm khiến dòng ngân hàng được hưởng lợi", ông Minh nói.

Phân tích thêm, ông Minh cho biết, thực tế trong giai đoạn thị trường giảm, dòng ngân hàng có tác động chính. Cú sốc giảm giá của nhóm này có nguyên nhân lớn đến từ dự phóng lợi nhuận quý III giảm sút. Thực tế cũng đã chứng minh điều này. Tuy nhiên, so sánh với thị trường chung có thể thấy, quy mô, mức tăng trưởng của cổ phiếu vua vẫn cao hơn mặt bằng khi hầu hết các nhóm ngành đều có xu hướng tăng trưởng âm trong quý III, ngoại trừ một số ngành như chứng khoán, thép.

"Về cơ bản trong giai đoạn vừa qua, nhóm ngân hàng đã có mức giảm tương đối lớn khiến P/B sụt giảm về vùng giá hấp dẫn. Trong thời gian tới, cổ phiếu ngân hàng vẫn còn dư địa để tăng trưởng tốt, cùng với đó là khả năng hấp thụ lớn từ thị trường", Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định.

Trong báo cáo mới phát hành, Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng các ngân hàng hiện đang giao dịch ở mức trung bình 1,8x P/B dự phóng 2021 và 1,5x P/B dự phóng 2022, đây là mức định giá thấp so với mức ROE cao mà các ngân hàng tạo ra (trung bình là 18,5%). Không những vậy, hầu hết các ngân hàng hiện đang giao dịch ở mức định giá trung bình 5 năm trong khi ROE đã cải thiện đáng kể so với mức ROE cao nhất trong 5 năm qua.

Nguồn: