Cho vay cầm đồ online không phải là P2P Lending

23/11/2024
Nhiều đơn vị dưới danh nghĩa công ty P2P Lending có thể tạo ra nhưng hệ lụy cho mô hình này.

Cho vay ngang hàng (P2P Lending) là mô hình kinh doanh mới kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) trên nền tảng ứng dụng công nghệ số. Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ số hoá. Tuy nhiên, loại hình này vẫn đang thiếu khung pháp lý để kiểm soát và loại bỏ các đơn vị sai phạm. NHNN đã chủ trì xây dựng khung pháp lý đối với hoạt động cho vay ngang hàng và sẽ trình Chính phủ cho thí điểm hoạt động này trong thời gian tới.

Trả lời Người Đồng Hành tại một sự kiện fintech về tiến độ triển khai xây dựng pháp lý cho mô hình P2P Lending tại Việt Nam, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết quá trình này vẫn đang được thực hiện. NHNN và một số bộ ngành đã tham gia khảo sát thực tế hoạt động của các công ty P2P Lending tại VIệt Nam.

“Cách đây 2-3 tháng, NHNN đã có báo cáo rất chi tiết về hiện trạng, thực tế hoạt động cho vay ngang hàng và chỉ ra một số rủi ro, và vấn đề về quản lý. Cơ quan này đã trình Chính phủ báo cáo khảo sát và đề xuất cho phép thí điểm với một số công ty P2P Lending đủ năng lực”, ông Sơn nói.

Cho vay cầm đồ online không phải là P2P Lending - Ảnh 1.

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN. Ảnh: NHNN.


Đối với thực trạng các công ty cho vay ngang hàng Trung Quốc tại Việt Nam, một số hoạt động sai quy cách tiềm ẩn rủi ro gây ảnh hưởng xấu đến thị trường và cần cơ chế “lọc”, ông Sơn cho biết tất cả vấn đề liên quan đang trong quá trình chờ Chính phủ phê duyệt và sẽ thực hiện từng bước sau khi có quyết định.

Ông Sơn chia sẻ có 2 mô hình cho vay ngang hàng dự kiến sẽ được thử nghiệm sau khi Chính phủ thông qua cơ chế. Thứ nhất là các công ty cung cấp công nghệ, “platform”, ứng dụng kết nối trực tiếp người cho vay (nhà đầu tư) và người đi vay. Đây là những đơn vị kết nối chủ thể trên thị trường, làm cầu nối giữa các bên, giải quyết nhu cầu vốn cho người cần huy động. Mô hình này đang hiện diện trên thị trường Việt Nam và một số nước trên thế giới.

Mô hình thứ 2 là các đơn vị kết nối nhà đầu tư với người đi vay mà hợp tác, hoặc thông qua ngân hàng, tổ chức tín dụng. Trên thực tế, có một số ngân hàng đã hợp tác với các trung gian thanh toán, đơn vị P2P Lending để cho vay đối tượng là các cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc siêu nhỏ.

Ngoài ra, ông Sơn cũng đề cập đến 2 mô hình khác hoạt động dưới danh nghĩa P2P Lending nhưng không được công nhận. Đầu tiên là công ty tự huy động vốn hoặc tự lấy vốn cho vay các cá nhân và người có nhu cầu. Về bản chất, theo ông Sơn, đây chính là huy động và cho vay, quy định trong luật của các tổ chức tín dụng, là hoạt động của ngân hàng. Các công ty không được cấp phép hoạt động với loại hình này là vi phạm pháp luật.

Mô hình tiếp theo không được công nhận là công ty tương tự dạng cầm đồ, cho phép đăng ký các khoản vay qua app, ứng dụng, internet. Về bản chất đây không phải là công ty P2P Lending. Vì khái niệm tiệm cầm đồ, hoặc các đối tượng cho vay nặng lãi, ứng dụng công nghệ và dùng hình thức bề ngoài P2P Lending để cho vay khách hàng với mức lãi suất cao, là không đúng quy cách. Ông Sơn cho rằng cần làm rõ với công chúng về loại hình cho vay này, tránh làm ảnh hưởng đến các công ty P2P Lending đang hoạt động đúng.

Theo ông Sơn, quan điểm của NHNN cho vay ngang hàng cũng là kênh huy động vốn tốt cho khách hàng, với lãi suất phù hợp cho từng đối tượng, kết nối dòng vốn từ nhà đầu tư đến người có nhu cầu. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều hình thức biến tướng lợi dụng P2P Lending có thể dẫn đến một số hệ lụy nhất định.

Ông cũng đề cập đến một vấn đề là triển khai thí điểm mô hình nào trước, P2P Lending hay cơ chế sandbox và cho hay 2 quá trình này riêng biệt. Nếu sanbox được thông qua trước, tất cả công ty P2P Lending sẽ tham gia vào sandbox để thử nghiệm. Trong trường hợp P2P Lending được thông qua trước, bước 1 (thử nghiệm) không thể triển khai.

Trung Quốc là một trong những thị trường có giai đoạn bùng nổ các công ty P2P Lending. Tuy nhiên, thị trường này sau đó đã nhanh chóng thoái trào do thiếu các chính sách và cơ chế giám sát đối khiến các hình thức giả mạo xuất hiện, gây mất niềm tin cho nhà đầu tư. Theo Bloomberg, nền tảng cho vay ngang hàng ở Trung Quốc có khoảng 50 triệu người đăng ký, khoảng 192 tỷ USD nợ xấu với lãi suất trung bình 10,2% vào năm 2018.

Sandbox là thuật ngữ về “khung điều chỉnh thử nghiệm”, môi trường để các cơ quan quản lý dễ dàng giám sát và bớt thời gian nghiên cứu thực nghiệm đưa ra các luật mới, khung pháp lý mới. Sandbox cho phép và khuyến khích tất cả doanh nghiệp hoặc những dự án nằm trong box đó, đồng thời theo dõi, quan sát khả năng phát triển và những chuyển biến của các ứng dụng công nghệ như thế nào.

Nguồn: