Mục tiêu lợi nhuận đạt 11.686 tỷ đồng, tăng 87%
Theo tờ trình tại cuộc họp, năm 2022, ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2022 sẽ đạt 11.686 tỷ đồng, tăng tới 87% so với năm 2021. Đồng thời, chất lượng tài sản được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống dưới 1,3%.
Tổng dư nợ tín dụng tăng 14,4% lên 421.715 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động tăng 9,8% lên 504.539 tỷ đồng.
Kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 36.000 tỷ đồng, chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài
Ngân hàng cũng có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ trong năm nay, từ 26.673 tỷ đồng lên 36.007 tỷ đồng. Nếu thành công, vốn điều lệ của SHB sẽ vượt qua nhiều ngân hàng lớn như Techcombank, Agribank, ACB.
Cụ thể, năm 2022, SHB sẽ tăng vốn theo 2 cấu phần.
Đợt 1, SHB sẽ phát hành hơn 400 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 15%. Nguồn vốn từ lợi nhuận năm 2021. Thời gian dự kiến phát hành trong quý 3/2022
Đợt 2, SHB sẽ chào bán hơn 533,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền tỷ lệ 20%. Giá chào bán chỉ ở mức 12.500 đồng/cp, rẻ hơn rất nhiều so với thị giá hiện nay (quanh mức 20.000 đồng/cp). Thời gian dự kiến hoàn thành là trong quý 3/2022 hoặc cho đến khi SHB hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật.
SHB cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch chào bán không quá 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Giá chào bán không thấp hơn mệnh giá.
Năm nay, ngân hàng sẽ chào bán 45,12 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho người lao động (ESOP). Giá bán dự kiến là 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 18 tháng kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Bầu HĐQT, BKS nhiệm kỳ mới 2022-2027
Một nội dung quan trọng khác, ĐHĐCĐ năm nay của SHB sẽ bầu ra Hội đồng quản trị (HĐQT), Bản Kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ mới 2022-2027.
Danh sách nhân sự bầu vào HĐQT gồm có 6 người: ông Đỗ Quang Hiển, ông Võ Đức Tiến, ông Nguyễn Văn Lê, ông Thái Quốc Minh, ông Đỗ Quang Vinh và ông Đỗ Văn Sinh.
So với nhiệm kỳ cũ, nhiệm kỳ mới sẽ có thêm 2 thành viên mới là ông Đỗ Quang Vinh và ông Đỗ Văn Sinh.
Trong đó, ông Đỗ Quang Vinh sinh năm 1989, được biết là con trai ông Đỗ Quang Hiển (Chủ tịch HĐQT), dự kiến là thành viên trẻ nhất trong HĐQT ngân hàng SHB. Hiện ông Vinh giữ các chức vụ quản lý cấp cao tại SHB như Phó Tổng Giám đốc SHB, Giám đốc Khối ngân hàng số kiêm Phó Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ SHB, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội.
Ông Đỗ Văn Sinh, sinh năm 1961, là Tiến sỹ kinh tế, có 37 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính. Ông Sinh từng đảm nhiệm các chức vụ quản lý, điều hành cấp cao như Trưởng Ban Kế hoạch tài chính/Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Danh sách nhân sự bầu vào Ban Kiểm soát gồm 3 thành viên: ông Phạm Hòa Bình, bà Lê Thanh Cẩm, ông Vũ Xuân Thủy Sơn.
Phần Thảo luận
Cổ đông: Ngân hàng đã tăng trưởng mạnh trong năm 2021 dù đại dịch ảnh hưởng mạnh, cổ đông cũng rất vui. Tuy nhiên, năm 2022, có nhiều bất ổn từ thế giới và áp lực lạm phát, SHB có nên lưu ý những điều này và hạ thấp tỷ lệ tăng trưởng xuống không, không cần đạt top 3 năm 2025 mà chỉ top 5 nhưng an toàn, bền vững?
Ông Đỗ Quang Hiển (Chủ tịch HĐQT): Chúng ta phải có mục tiêu để phấn đấu đạt được. Top 3 mà chúng ta đặt ra là về lợi nhuận, là top ngân hàng hiệu quả, chứ không chạy theo mục tiêu quy mô. Đây cũng là vì lợi ích của cổ đông và phát triển an toàn bền vững. Trong chiến lược của SHB, năm 2025 là số 1 về hiệu quả, các chỉ số chính phải đạt hiệu quả cao. Năm 2025, SHB cũng sẽ là ngân hàng số hiện đại được nhiều người yêu thích nhất. Mục tiêu này cũng thể hiện tham vọng SHB nâng lên tầm cao mới, không chỉ trong nước và đáp ứng chuẩn mực quốc tế. Khi ngân hàng có lợi nhuận thì lợi ích của cổ đông cũng được gia tăng.
Cổ đông: Về tờ trình chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 15%. Tôi cho rằng trong tình hình hiện tại, SHB vừa trải qua đợt tăng vốn mạnh năm 2021 và thị trường đang có nhiều biến động, ảnh hưởng tới giá trị cổ phiếu, đề nghị nên dùng lợi nhuận để mua cổ phiếu quỹ vì thị giá đang thấp, nên chọn thời điểm khác để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nếu chia cổ tức thì giá cổ phiếu bị điều chỉnh, cổ phiếu nhận được lại phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Ông Đỗ Quang Hiển: Cổ đông là những người chủ của ngân hàng. Chúng ta phải hướng đến nâng cao sức khoẻ, năng lực tài chính cho ngân hàng. Do đó, vẫn cần tăng vốn để đảm bảo chuẩn mực quốc tế, an toàn, bền vững.
Đúng là giá cổ phiếu có xuống thời gian gần đây. Giá trên thị trường sẽ có lên có xuống. Tuy nhiên, cổ đông có thể phân tích sẽ thấy giá trị cao hơn thị giá thời điểm hiện tại. Chúng ta nên có niềm tin và sự phân tích để đầu tư cổ phiếu có giá trị, bền vững.
Cổ đông: Kết quả kinh doanh quý 1/2022 của SHB ra sao?
Ông Đỗ Quang Hiển: Lợi nhuận quý 1 của SHB là 3.226 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 30% kế hoạch năm. Quý 1 vướng vào dịp Tết nhưng chúng ta đã đạt được kết quả này thì có niềm tin kế hoạch kinh doanh đã đề xuất sẽ đạt được.
Cổ đông: Tỷ trọng cho vay bất động sản trong tổng dư nợ của ngân hàng, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là bao nhiêu?
Ông Võ Đức Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT: Dư nợ cho vay BĐS hiện nay chỉ ở mức 6,75%. Trái phiếu doanh nghiệp cuối năm 2021 là 6.600 tỷ, trong đó trái phiếu BĐS là 4.100 tỷ và về pháp lý đều tốt, hiệu quả.
Ông Đỗ Quang Hiển: Đây đều là những trái phiếu của các doanh nghiệp, dự án có tài chính và thanh khoản tốt. Tôi khẳng định các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của SHB là an toàn tuyệt đối và thanh khoản cao.
Cổ đông: Mục tiêu lợi nhuận tăng 87% dự trên cơ sở nào?
Ông Đỗ Quang Hiển: Trong kế hoạch kinh doanh, chúng tôi chưa bao giờ đưa ra con số trước mà đưa ra cơ sở, căn cứ, phương pháp, tổ chức thực hiện,…đúng để ra con số đúng.
SHB có sáng kiến chiến lược, phát triển tệp khách hàng, hệ sinh thái, chuỗi cung ứng, tạo nên sự khác biệt của SHB. Thực tế, SHB có nhiều thế mạnh mà trước đây chưa khai thác hết. Chúng tôi đang cấu trúc và tập trung triển khai thế mạnh đó. SHB sẽ tăng mạnh CASA, hoạt động dịch vụ trong năm nay, cổ đông có thể yên tâm về mục tiêu lợi nhuận.
Ông Võ Đức Tiến: Chỉ tiêu lợi nhuận tăng 87% hoàn toàn có cơ sở vì năm ngoái SHB đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro để xử lý xong nợ xấu VAMC. Do đó, gánh nặng trích lập năm nay sẽ giảm mạnh khoảng 3.000 tỷ so với năm ngoái, là cơ sở giúp ngân hàng tăng mạnh lợi nhuận.
Cổ đông: Xác suất thành công của kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay?
Ông Đỗ Quang Hiển: Trong bóng đá, phút 89, phút bù giờ còn có ghi bàn, nên cũng khó nói trước được gì, chỉ đưa ra xác suất 50-50. Nhưng tôi cũng khẳng định, các đối tác chiến lược nước ngoài có quan tâm nhiều năm nay, nhưng SHB muốn lựa chọn đối tác đi trung và dài hạn với SHB. Chúng ta có quyền lựa chọn theo chiến lược đặt ra.
https://cafef.vn/dhdcd-shb-muc-tieu-loi-nhuan-hon-11600-ty-ke-hoach-tang-manh-von-dieu-le-len-hon-36000-ty-dong-20220420113617035.chnNguồn: