Khi các ngân hàng trung ương thế giới đồng loạt hạ lãi suất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ giữa tháng 9, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành và dùng một số biện pháp giảm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2). Ví dụ, hạ lãi suất trên thị trường mở (OMO) 0,75% một năm, hạ lãi suất tín phiếu từ mức 3% xuống còn 2,75%, nới room tín dụng cho một số ngân hàng...
Trước loạt chính sách này, nhiều ý kiến cho rằng đây có thể là động thái cho thấy nhà điều hành sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Bình luận với VnExpress, ông Nguyễn Đức Khương, Giáo sư tài chính tại Học viện Hành chính và quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School) cho biết, chính sách nới lỏng tiền tệ được cân nhắc để hỗ trợ nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm tăng trưởng hoặc trì trệ. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đang điều hành trong bối cảnh không gian chính sách tiền tệ cho phép, nền kinh tế ổn định với cơ hội bứt phá. Vì vậy, theo ông, những điều hành gần đây mang ý nghĩa điều phối dòng vốn có trọng điểm, đáp ứng linh hoạt với nhu cầu của nền kinh tế.
Chuyên gia Nguyễn Đức Khương. Ảnh: AVSE Global. |
Ngay cả trong năm 2020 khi kinh tế toàn cầu còn nhiều dấu hiệu khó khăn, Việt Nam vẫn có tiềm năng để phát triển. Ông Khương cho rằng, khi các cơ hội mở ra đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn lực tài chính. Đây cũng có thể là lý do Ngân hàng Nhà nước nới rộng tín dụng cho tiêu dùng và đầu tư, thông qua việc giảm lãi suất, từ đó đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Ông dẫn các chỉ số cho thấy kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định và có chiều hướng tiến triển tốt. Lạm phát ở mức 3–3,5% (thấp hơn so với mục tiêu đề ra của Chính phủ), nợ công giảm dần (nợ công so với GDP giảm từ 58,4% vào 2018 xuống 56,1%), cán cân thu chi ngân sách cân bằng và được đảm bảo ở cả cấp trung ương và địa phương. Đây là những chỉ số quan trọng cho thấy chính phủ quản lý chi tiêu tốt, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng nằm top đầu trong khu vực và thế giới.
Việc điều phối dòng vốn càng cần thiết hơn, trong bối cảnh đầu tháng 11, Thủ tướng yêu cầu phải sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ để giảm ít nhất 0,5 điểm phần trăm lãi suất cho vay vào đầu 2020, đặc biệt là đối với lĩnh vực ưu tiên.
Ông Khương nhận định, chính sách này sẽ rất có lợi với nền kinh tế nếu gia tăng tín dụng được điều chuyển đến các khu vực đầu tư trọng điểm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Định hướng này cũng được thể hiện qua việc Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tín dụng bất động sản và ban hành chính sách theo mục tiêu này, như hỗ trợ cho lĩnh vực ưu tiên.
Về tác động với lãi suất trên thị trường, Viện Nghiên cứu & đào tạo BIDV đánh giá, sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành và có các biện pháp giảm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất huy động vẫn không có dấu hiệu giảm khi lãi suất thị trường 1 (cho vay cá nhân, doanh nghiệp) và thị trường 2 còn sự chênh lệch lớn. Vì vậy, quy định hạ trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn vào giữa tháng 11 là biện pháp tiếp theo nhằm thu hẹp khoảng cách lãi suất giữa hai thị trường, từ đó tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Lãi suất huy động giảm vào cuối năm là việc ít thấy tại Việt Nam do đây là thời kỳ cao điểm cho nhu cầu nguồn vốn, tiền mặt. Việc các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất vừa qua nhiều khả năng không nằm trong kế hoạch từ trước mà nhằm thực thi chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, báo cáo của Viện nhiên cứu & đào tạo BIDV nhận định.
Theo ước tính của Viện nghiên cứu và đào tạo BIDV, bình quân lãi suất toàn thị trường kỳ hạn dưới 6 tháng giảm khoảng 0,3% một năm so với trước khi giảm trần lãi suất. Việc giảm trần không ảnh hưởng nhiều đến lãi suất tiền gửi của các ngân hàng có vốn nhà nước nhưng giúp thu hẹp mức chênh lệch lãi suất giữa nhóm này với ngân hàng cổ phần.
Quỳnh Trang