Tại một số quốc gia, ngành cầm đồ tương đối phát triển, nhiều chuỗi cầm đồ đã hoàn thành chào bán cổ phần ra công chúng (IPO), thậm chí có chuỗi có sự tham gia vốn của chính phủ như ở Thái Lan hay Indonesia. Tại Việt Nam, phân khúc cầm đồ được đánh giá có tiềm năng và ít doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp.
Hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế
Chuỗi cầm đồ Vietmoney vừa hoàn thành vòng gọi vốn Series A từ Quỹ đầu tư Probus Opportunities (Probus) và Digi Ventures. Theo đó, Probus và Digi Ventures sẽ đồng nắm giữ 30% cổ phần tại Vietmoney và cùng tham gia HĐQT. Giá trị rót vốn chưa được công bố.
Thành lập từ năm 2016, chuỗi cầm đồ Vietmoney hoạt động theo mô hình O2O (Online to Offline), hiện có 16 chi nhánh hoạt động tại TP HCM, phục vụ hơn 20.000 khách hàng thường xuyên. Ông Trịnh Văn Phương, Tổng Giám đốc Vietmoney, cho biết nguồn vốn đầu tư lần này sẽ giúp DN đẩy nhanh tốc độ phát triển trong lĩnh vực vốn còn nhiều định kiến tại Việt Nam. "Khoản đầu tư lần này mang tính chiến lược đối với chúng tôi. Kinh nghiệm của Probus đầu tư vào chuỗi cầm đồ Srisawad ở Thái Lan hay Digi Ventures trong vấn đề quản trị sẽ hỗ trợ nhiều cho Vietmoney để tối ưu hóa mô hình hoạt động và tiếp cận khách hàng tốt hơn" - ông Phương kỳ vọng. Vietmoney có kế hoạch mở rộng mạng lưới lên 100 chi nhánh tại 28 tỉnh, thành cả nước trong thời gian tới với tham vọng xây dựng một kênh tài chính tiện lợi và bảo đảm cho khách hàng trong phân khúc dưới chuẩn tại Việt Nam. Mục tiêu kế hoạch năm nay đạt giải ngân lũy kế 1.000 tỉ đồng.
Chuỗi cầm đồ Vietmoney vừa gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư Ảnh: LAM GIANG
Trước Vietmoney, chuỗi cầm đồ F88 của Công ty CP Kinh doanh F88 (đang sở hữu 222 phòng giao dịch tại 35 tỉnh - thành, mục tiêu đến cuối năm nay sẽ phát triển lên 300 phòng giao dịch) cũng từng gọi vốn thành công và nhà đầu tư chiến lược là quỹ đầu tư nước ngoài. Đại diện F88 cho biết công ty đang được rót vốn và hỗ trợ chiến lược từ 2 quỹ đầu tư là Mekong Capital và Granite Oak (quỹ đầu tư từ châu Âu). Các quỹ đầu tư giúp DN nhiều trong việc tư vấn chiến lược, cấu trúc và quản trị; giúp tiếp cận các thông lệ quốc tế về tài chính, quản trị rủi ro…
Tiêu chuẩn về lãi suất, phí phải rõ ràng
Theo một số chuyên gia, việc ra đời các chuỗi cầm đồ hoạt động theo mô hình DN chuyên nghiệp, thu hút vốn đầu tư từ các quỹ trong và ngoài nước là yếu tố mới mẻ trên thị trường. Các DN dự đoán xu hướng quỹ đầu tư rót vốn vào lĩnh vực cầm đồ sẽ khiến thị trường có sự cạnh tranh gay gắt hơn. Chủ một chuỗi cầm đồ có khoảng 5 cửa hàng tại TP HCM hoạt động theo mô hình truyền thống cho biết áp lực cạnh tranh trên thị trường chắc chắn sẽ có nhưng dư địa để phát triển là rất lớn vì lâu nay cầm đồ hoạt động theo quy mô nhỏ lẻ, phân tán ở từng địa phương.
Đại diện Vietmoney cho rằng thay đổi định kiến về dịch vụ cầm đồ vốn không hề dễ dàng, cần thêm thời gian. "Trước hết, DN muốn khách hàng cảm nhận được về một dịch vụ chuyên nghiệp, thân thiện và minh bạch thông qua các tiêu chuẩn rõ ràng về sản phẩm và quyền lợi khi cung cấp dịch vụ. Vấn đề định giá cũng rất quan trọng, định giá phải đúng thời giá để đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng nhưng không gây rủi ro cho khoản vay và bảo đảm được thanh khoản khi cần. Chúng tôi đã xây dựng cơ sở dữ liệu lớn và một hệ thống phân tích hàng chục ngàn dữ liệu mỗi ngày để có tham chiếu và báo giá chính xác" - ông Trịnh Văn Phương thông tin.
Cũng tin tưởng việc cung cấp cho khách hàng dịch vụ tài chính minh bạch, dễ dàng, thuận tiện sẽ từng bước thay đổi định kiến của khách hàng về dịch vụ cầm đồ, đại diện F88 nêu ví dụ lãi suất được tính 1,1%/tháng, các loại phí được hình thành dựa trên chi phí hợp lý, hợp lệ của DN phải bỏ ra để thực hiện chuỗi cung ứng dịch vụ cho khách hàng, từ thẩm định nhân thân khách hàng, nguồn gốc tài sản, chất lượng tài sản, thuê kho bãi, bảo hiểm cháy nổ, kho, vận chuyển, quản trị rủi ro...
"Mức lãi suất và phí này được DN xây dựng căn cứ vào các văn bản pháp lý theo quy định của pháp luật; tổng lãi và phí dao động từ 4,5% - 8,1%/tháng tùy vào số tiền vay và thời gian vay. Phí phạt là thỏa thuận dân sự giữa 2 bên khi thực hiện hợp đồng và chỉ phát sinh khi người vay không thực hiện đúng cam kết của hợp đồng" - đại diện F88 dẫn chứng.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, cho hay nếu chỉ đơn thuần là dịch vụ cầm đồ đã có luật quy định rõ ràng và DN chỉ cần làm đúng luật. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay có một số DN hoạt động cầm đồ nhưng lại núp bóng cho vay cầm cố tài sản, cho vay tiêu dùng; hoạt động cho vay như các ngân hàng, công ty tài chính, thậm chí có dấu hiệu của tín dụng đen.
"Vì vậy rất cần có thêm hành lang pháp lý rõ ràng để ngành kinh doanh có điều kiện này cung cấp dịch vụ đúng quy định cho khách hàng và không thể núp bóng cho vay tài chính, tài chính tiêu dùng" - luật sư Trương Thanh Đức đề xuất.
Những dấu hiệu tiệm cầm đồ núp bóng tín dụng đen
Theo luật sư Trương Thanh Đức, DN hoạt động trong lĩnh vực cầm đồ không phải là tổ chức tín dụng nên không có khái niệm cho vay tín chấp, cho vay thế chấp bằng sổ đỏ, đòi nợ, xử lý tài sản... Luật Các tổ chức tín dụng nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng mà không được sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, nếu tiệm cầm đồ cho vay bất hợp pháp, lãi suất cho vay cao vượt quy định và đòi nợ bất hợp pháp là có dấu hiệu vi phạm, núp bóng tín dụng đen.
Nguồn: