Sự bùng nổ của công nghệ đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực, trong đó có tài chính ngân hàng. Tại Việt Nam, làn sóng chuyển đổi số của các ngân hàng đã diễn ra mạnh mẽ trong 3 năm gần đây.
Đã có nhiều ngân hàng xem đây là trọng tâm phát triển thời gian qua và cho ra đời những sản phẩm mới nổi bật, có thể kể đến TPBank ra mắt ứng dụng LiveBank, VPBank ra mắt ngân hàng số Yolo sau mô hình Timo, OCB ra mắt ngân hàng số OCB OMNI, Techcombank chú trọng phát triển trải nghiệm của khách hàng trên ngân hàng trực tuyến,…
Mỗi ngân hàng có hướng đi và cách tiếp cận khác nhau, song có lẽ đến giờ phút này ai cũng đã xác định "ngân hàng số" không còn là xu hướng mà là điều tất yếu nếu không muốn tụt hậu. Tuy nhiên, định nghĩa "ngân hàng số" là gì và những ngân hàng nào đang thực sự làm "ngân hàng số" vẫn chưa rõ ràng.
Tại sự kiện Industry 4.0 Summit diễn ra chiều nay (2/10), ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho rằng rất khó có một định nghĩa chính xác, song có thể xác định đó là ứng dụng công nghệ số, với mục tiêu nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Vị này tâm đắc quy tắc xác về ngân hàng số là "3-1-0", tức: tối đa 3 phút là khách hàng đăng ký xong dịch vụ, 1 là 1 giây phải trả lời là được hay không được ( ví dụ có được vay hay không), 0 là không có người tham gia.
Trong khi đó, ông Phạm Anh Tuấn, Ủy viên HĐQT Vietcombank cho biết nhà băng này đã bắt đầu triển khai dự án ngân hàng số từ tháng 4/2019 và xác định ngắn gọn, ngân hàng số sẽ đáp ứng tất cả những điều đặc biệt cho khách hàng. Vietcombank đang xem ngân hàng số là trọng tâm trong những năm tới, và "ông lớn" này bước vào cuộc đua với tâm thái xem đây như một "cuộc cách mạng", là lựa chọn "chuyển đổi số hay là chết".
Trên thực tế, sự nhập cuộc của Vietcombank so với các ngân hàng khác trên thị trường dường như là muộn hơn. Song theo lãnh đạo nhà băng này, Vietcombank đã chuẩn bị, có kế hoạch và lộ trình rõ ràng để tiến vào cuộc đua này.
"Tại Vietcombank, chúng tôi phát triển song song hạ tầng số và xây dựng trải nghiệm khách hàng và triển khai ngay các sản phẩm dịch vụ đối với phân khúc khách hàng lựa chọn thay vì triển khai toàn diện", ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Tuấn, Vietcombank xác định 3 mức độ trưởng thành của ngân hàng số là 1.0, 2.0 và 3.0. Theo đó, định hướng đến năm 2025, Vietcombank sẽ tiệm cận 3 chấm, năm 2030 sẽ là ngân hàng số 3.0 thực thụ.
Để thực hiện mục tiêu trên, ngân hàng đặt ra 6 động lực bắt buộc. Thứ nhất, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ. Thứ hai, mở rộng quy mô bán hàng và phân phối. Thứ ba, tăng cường quản trị rủi ro ở mức độ tốt nhất và định hướng đến 2025 sẽ đạt mức độ cao nhất của Basel II.
Thứ tư, cố gắng cung cấp sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Thứ năm, đảm bảo kết quả hoạt động kinh doanh có hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Và thứ sáu cũng là điều quan trọng nhất, trải nghiệm của khách hàng phải không ngừng được cải thiện.
Ông Tuấn cũng chia sẻ, việc phát triển ngân hàng số tại Vietcombank không riêng bộ phận nào mà bao gồm cả bán lẻ, bán buôn, đầu tư,…Song tất nhiên, với mỗi nhóm sẽ có lộ trình, mức độ ưu tiên khác nhau cho từng khối, từng sản phẩm, dịch vụ và phân khúc khách hàng được lựa chọn. Ngân hàng xác định trọng tâm của năm 2019-2020 là triển khai ngân hàng số và trong 5 năm tới duy trì dẫn đầu thị trường.
"Vietcombank cũng truyền thông trong nội bộ về điều nay và khẳng định thông điệp "chuyển đổi số hay là chết" để cán bộ nhân viên hiểu được và quyết tâm với mục tiêu này", ông nói.
Nguồn: