Chuyển động lãi suất âm

28/11/2024
Sau khi ECB dẫn thêm một bước lãi suất âm, giả định tương tự cũng được đặt ra đối với Fed tại Mỹ, như một áp lực.

Tháng 8/2019, tưởng như nghịch lý, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần đầu tiên trong cả thập kỷ giảm lãi suất, đồng đô la Mỹ (USD) lại lên giá mạnh so với đồng Euro.

Một số phân tích lý giải, diễn biến đó chỉ đơn thuần là dự đoán Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm sâu lãi suất chủ chốt của mình sang cực âm, và các nhà đầu tư “tháo chạy” sang đồng USD.

Ngày 19/9 vừa qua, Fed tiếp tục giảm lãi suất. Lần này, đồng USD lên giá thêm. Chỉ số USD Index tiếp tục lên gần mốc cao nhất của năm, diễn biến cho đến cuối tuần qua.

Cắt giảm lãi suất trở thành dòng chảy chủ đạo trên các thị trường thế giới, giữa các ngân hàng trung ương hay giữa các nền kinh tế lớn. Nó như một áp lực mới với Mỹ, khi có thêm những bước tiến ở phân cực âm.

Như một áp lực, ít nhất ở khía cạnh quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong loạt tweet tấn công vào đường đi chính sách của Fed.

Ngày 30/8, như trên, trước diễn biến đồng Euro giảm giá mạnh so với USD, ông Trump tweet: “Đồng Euro đang giảm giá so với đồng USD một cách “điên cuồng”, đem lại cho họ lợi thế xuất khẩu và sản xuất lớn và Fed chẳng làm điều gì cả! Đồng đô la của chúng ta hiện giờ là mạnh nhất trong lịch sử. Nghe hay đấy, có phải không? Ngoại trừ đối với những người (nhà sản xuất) sản xuất hàng hóa bán ở thị trường ngoài Hoa Kỳ”.

Và khi ECB cắt giảm lãi suất như dự đoán, từ mức -0,4% xuống tới -0,5%, vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm tiếp tục tweet vào ngày 11/9: “Cục Dự trữ Liên bang cần giảm lãi suất của chúng ta xuống KHÔNG, hoặc dưới không…”.

Như vậy, lãi suất dưới 0 cũng đã được Tổng thống Mỹ đề cập. Khi đó, ông còn nhấn mạnh yêu cầu giảm lãi suất như một cơ hội của đời người và đã bị bỏ lỡ…

Áp lực thương mại cũng đi cùng đó, thể hiện rõ ở những dòng tweet tiếp theo của ông Trump, khi nêu trực tiếp rằng: “ECB đã hành động nhanh chóng... Họ đang cố gắng và thành công trong việc giảm giá đồng Euro so với đồng đô la rất mạnh, làm tổn thương hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ. Và Fed chỉ ngồi nguyên một chỗ”.

Lãi suất âm, với Mỹ là thảm họa?

Lãi suất âm trở thành một chủ đề được giới phân tích đặt ra với Mỹ, trong các dòng chảy bình luận vừa qua.

Một số quan điểm đặt vấn đề: người ta không chứng minh được rằng lãi suất âm kích thích các nền kinh tế - những nơi đã thử áp dụng lãi suất này; và thậm chí lãi suất âm sẽ tàn phá nền kinh tế Hoa Kỳ, vì những lý do riêng đối với đồng USD.

Ở một góc nhìn khác, với ECB, một số phân tích cho rằng lãi suất âm vẫn chưa chạm tới mức để đạt lợi thế xuất khẩu. Thay vào đó, nó nhằm mục đích duy trì Liên minh châu Âu không bị sụp đổ, điều có thể xảy ra nếu Anh thực sự rút khỏi và Ý thực hiện tương tự.

Trong bài viết của Wolf Richter đăng ngày 18/9 trên WolfStreet, một thực tế được cho là ghi nhận rằng lãi suất âm không được chứng minh là có lợi cho bất kỳ nền kinh tế nào; thậm chí ở nền kinh tế có lãi suất âm hoạt động đã gây ra tác dụng phụ mang tính phá bất lợi đối với người dân và ngân hàng.

Và như trên, ông Wolf Richter nhìn ở khía cạnh lãi suất âm, theo sau và bổ sung thêm vào nới lỏng định lượng (QE) quy mô lớn, có hiệu quả trong việc duy trì khu vực đồng Euro gắn kết với nhau, bởi khu vực đồng Euro cho phép các quốc gia duy trì hoạt động mà không thể, mà sẽ cần, tự in tiền để duy trì hoạt động.

Trong khi đó, Mỹ không cần lãi suất âm để gắn kết. Mỹ có thể tự in tiền của mình.

Cũng theo tác giả trên, các chính phủ thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã mất quyền chủ quyền trong việc phát hành tiền của mình hoặc vay tiền do các ngân hàng trung ương của mình phát hành. Thử nghiệm của EU là một nỗ lực bất thành của người theo chủ nghĩa tiền tệ nhằm duy trì nguồn cung tiền cố định, như thể đồng Euro là một loại hàng hóa có nguồn cung hạn chế như vàng.

Ngân hàng trung ương của các quốc gia thành viên EU không có quyền bảo lãnh chính phủ hoặc các ngân hàng trong nước đang phá sản của họ như Fed đã thực hiện đối với các ngân hàng Mỹ với việc nới lỏng định lượng quy mô lớn sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Vậy tại sao Mỹ không thể hướng tới lãi suất âm, và thay vào đó thì có thể làm gì?

Trước hết, giới phân tích nhìn nhận rằng Mỹ không cần lãi suất âm, bởi họ không có những vấn đề như của EU. Mỹ có những vấn đề khác đặc thù đối với đồng USD mà có thể gây thảm họa nếu lãi suất âm được thực thi.

Trước tiên là với một thị trường tiền tệ quy mô lớn, chinh sách đó (nếu thực thi) quan trọng hơn trong hoạt động hàng ngày của thị trường Mỹ, hơn là ở châu Âu và Nhật Bản. Nếu lãi suất hướng âm, các quỹ có thể sẽ chứng kiến nhiều dòng tiền quy mô lớn có thể phá vỡ việc cấp vốn ngắn hạn cho các doanh nghiệp, ngân hàng và thậm chí là kho bạc. Người tiêu dùng cũng có thể phải đối mặt với các khoản phí mới để bù đắp cho những khoản lỗ của ngân hàng.

Thứ hai, đồng USD gắn bó chặt chẽ với thị trường phái sinh lãi suất - hiện có giá trị ước tính trên 500 nghìn tỷ USD. Như Rob Kirby - nhà phân tích quyền sở hữu tài sản giải thích, nền kinh tế sẽ sụp đổ nếu lãi suất hướng âm, bởi các ngân hàng nắm giữ phần lãi suất cố định của các giao dịch hoán đổi sẽ phải thanh toán cho phía lãi suất động. Thị trường phái sinh sẽ đổ theo phản ứng domino và kéo theo là nền kinh tế Mỹ.

Còn với người có ảnh hưởng đến quyết định chính sách, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã trả lời câu hỏi về lãi suất âm vào ngày 18/9 rằng: “Lãi suất âm là điều mà chúng ta đã xem xét trong cuộc khủng hoảng tài chính và đã chọn không thực hiện”.

Với hiện tại, cùng những diễn biến mới, ông Jerome Powell nói rằng: “Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ xem xét sử dụng lãi suất âm”.

Nguồn: