Chuyên gia đưa ra 8 giải pháp giúp doanh nghiệp Việt trong bối cảnh dịch Covid-19

27/11/2024
Theo TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nguy cơ kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực là tương đối cao, nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng song một số mô hình và lĩnh vực kinh doanh lại có thêm cơ hội nhất định.

Ngày 31/12/2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo chính thức về tình hình dịch Covid-19 và tiếp tục công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về sức khỏe cộng đồng (PHEIC) đúng 1 tháng sau đó. Đến nay dịch bệnh vẫn đang lan nhanh và vẫn khó xác định đỉnh điểm. Tính đến hết ngày 13/02/2020, toàn cầu có 65.247 người bị nhiễm và 1.489 người tử vong, 28 quốc gia/vùng lãnh thổ công bố có công dân nhiễm virus Covid-19. Riêng Trung Quốc, tâm điểm của dịch bệnh, có 64.690 ca bệnh và 1.487 ca tử vong tại toàn bộ 31 tỉnh/thành và khu tự trị. Tại Việt Nam, 16 ca nhiễm, chưa có tử vong và 7 ca đã xuất viện. Mức độ lây lan của dịch Covid-19 chưa giảm. Một số dự báo mới nhất cho rằng dịch bệnh sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất đến đầu tháng 4.

Đảng và Chính phủ Việt Nam đã sớm có những chỉ đạo, biện pháp khẩn trương, quyết liệt và kịp thời để phòng, chống dịch bệnh ngay từ giữa tháng 1, nhưng nguy cơ kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực là tương đối cao. Nguyên nhân là do lây lan nhanh, diễn biến phức tạp của dịch bệnh; Việt Nam nằm sát cạnh Trung Quốc; và đặc biệt Trung Quốc là đối tác kinh tế, thương mại và du lịch hàng đầu của nước ta.

TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV mới đây đã xây dựng mô hình đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam dựa trên 3 kịch bản (cơ sở, tích cực và tiêu cực). Theo đó, với kịch bản cơ sở (có khả năng xảy ra cao nhất), nếu các hoạt động thương mại, du lịch, đầu tư dần phục hồi từ nửa cuối quý 2/2020 thì GDP 2020 giảm khoảng 0,83 điểm %; trong đó, GDP quý 1 giảm 1,23 điểm % và GDP quý 2 giảm 0,71 điểm %. Với kịch bản tích cực, nếu các hoạt động trở lại bình thường từ đầu quý 2/2020 thì mức giảm GDP quý 1 khoảng 1,22 điểm %; quý 2 giảm 0,39 điểm %, và GDP cả năm giảm khoảng 0,32 điểm %. Với kịch bản tiêu cực (xấu nhất), khi các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh không có hiệu quả, dẫn đến hệ lụy xấu, thậm chí làm kiệt quệ ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ thì GDP quý 1 có thể giảm 1,24 điểm %, GDP quý 2 giảm 1,46 điểm % và GDP cả năm giảm khoảng 2,71 điểm %.

Xem thêm các thông tin về tác động của covid-19 lên nền kinh tế tại đây

Trong báo cáo mới nhất mang tên Doanh nghiệp Việt nên làm gì trong bối cảnh dịch Covid-19?, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã chỉ ra những tác động tới doanh nghiệp.

Cụ thể nhóm tác giả cho rằng tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt thể hiện rất rõ trên 5 khía cạnh. Thứ nhất, dịch bệnh làm giảm doanh thu sản phẩm đầu ra, nhất là với các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc (như nông – thủy sản, máy vi tính-điện tử-điện thoại, dệt may-da giày, sản phẩm gỗ…; xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam). Thứ hai, dịch bệnh làm giảm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ (trừ y tế, dược phẩm…), khiến các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, bất động sản, giải trí, vận tải, logistics, tài chính-ngân hàng …bắt đầu ngấm dần khó khan. Theo đánh giá sơ bộ của ANZ, lĩnh vực du lịch - lữ hành - khách sạn sẽ chịu tác động tiêu cực khiến GDP có thể giảm 0,37 điểm % trong trường hợp lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam giảm 75% trong 3 tháng tới. 

Thứ ba, dịch bệnh làm gián đoạn hoạt động sản xuất – kinh doanh do thiếu nguyên liệu đầu vào và thiếu hụt lực lượng lao động, đặc biệt là các ngành dệt may, sản xuất vật tư nông nghiệp, linh kiện điện tử, sản xuất ô tô, xe máy…v.v. Thứ tư, làm giảm nhu cầu tín dụng và phát sinh nợ xấu tiềm ẩn (đối với lĩnh vực ngân hàng), tăng chi phí bảo hiểm do tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, hộ gia đình trở nên khó khăn hơn,…v.v. Thứ năm, làm tăng rủi ro hoạt động, nhất là rủi ro bị gián đoạn kinh doanh, rủi ro giá cổ phiếu biến động mạnh (do niềm tin nhà đầu tư thay đổi), rủi ro tỷ giá và thanh toán khi tính bất định trên thị trường tăng và dòng tiền bị thay đổi…v.v. 

Mặc dù vậy, một số mô hình và lĩnh vực kinh doanh lại có thêm cơ hội nhất định như dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, dược phẩm, công nghệ sinh học, thương mại điện tử, công nghệ tài chính (Fintech), giải trí trực tuyến, giáo dục và tư vấn trực tuyến…v.v.

Nhóm tác giả đồng thời nhấn mạnh lại rằng những ảnh hưởng tiêu cực trên thực tế phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả của các biện pháp ứng phó của Chính phủ, bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân

Để vượt qua thách thức và có thể tận dụng tối đa những cơ hội mới; bên cạnh thực thi có hiệu quả các chính sách, giải pháp của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương liên quan; theo nhóm tác giả, mỗi doanh nghiệp có thể xem xét thực hiện 8 giải pháp ứng phó sau:

- Một là, kịp thời phòng và chống bệnh dịch cho người lao động, đặc biệt là các bộ phận thường xuyên tiếp xúc với khách hàng và tại khu vực có dịch bệnh, chuẩn bị các phương án phong tỏa, cách ly khi cần thiết. Tổ chức truyền thông, thông tin chuẩn xác, phù hợp về dịch bệnh cho nhân việc và khách hàng. Một số doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, Formosa,…đã triển khai kiểm tra thân nhiệt của nhân viên tại các cổng nhà máy, đề nghị nhân viên đeo khẩu trang đi làm và trong suốt quá trình làm việc, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể xem xét cho phép, khuyến khích làm việc tại nhà hoặc tạm nghỉ việc hưởng lương khi người lao động phải cách ly theo yêu cầu hoặc từ vùng có nguy cơ lây nhiễm về; tạm thời chia người lao động thành nhóm cố định để tránh lây nhiễm chéo, khuyến khích người lao động hạn chế di chuyển; thường xuyên vệ sinh môi trường làm việc…v.v. Khi đó, cần có quy định về cách thức làm việc tại nhà hoặc từ xa. Một số công ty tại Thượng Hải – Trung Quốc còn khuyến khích, hướng dẫn nhân viên tập thể dục tại nhà để duy trì sức khỏe và thói quen. 

- Hai là, thiện chí phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời những vướng mắc gây ách tắc các mặt hàng xuất nhập khẩu với Trung Quốc thông qua việc đẩy nhanh quá trình thông quan (doanh nghiệp cần tuân thủ chỉ đạo, qui định của Nhà nước về kiểm soát dịch bệnh; chuẩn bị nhanh nhất, sẵn sàng đầy đủ hồ sơ, nhân lực để xử lý nhanh); tích cực đẩy mạnh tiêu thụ trong nước (thông qua việc cung cấp hàng hóa vào các hệ thống siêu thị, đặc biệt đối với mặt hàng tươi sống…).

- Ba là, xử lý kịp thời tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu đầu vào thông qua ưu tiên sử dụng các nguyên vật liệu trong nước thay thế, xem xét nhập khẩu nguồn nguyên liệu tương tự từ thị trường khác (có thể đề xuất giảm thuế nhập khẩu nếu cần thiết). Một số doanh nghiệp FDI đã thay nguồn hàng từ Trung Quốc bằng nguồn hàng từ Ấn Độ, Hàn Quốc…v.v. Đồng thời, chủ động tìm kiếm nguồn cung, khách hàng, thị trường thay thế để tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường hay một nguồn cung, đặc biệt là đối với các ngành nghề đang phụ thuộc lớn vào Trung Quốc như như dệt may, da giày, điện tử, năng lượng, xuất khẩu nông sản,…v.v. Đây là giải pháp vừa ngắn hạn và vừa mang tính lâu dài.

- Bốn là, đẩy nhanh và mạnh hơn phát triển kinh doanh số, giao dịch điện tử, nhất là các giao dịch thanh toán, chuyển tiền, nộp thuế/phí, thanh toán không dừng…v.v. Đồng thời, tăng cường quảng bá hoạt động kinh doanh trực tuyến; truyền thông, khuyến khích khách hàng sử dụng giao dịch điện tử. Giải pháp này vừa giảm thiểu rủi ro lây lan dịch bệnh, vừa tiết giảm chi phí, tăng minh bạch, vừa góp phần thực hiện tốt chủ trương phát triển kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. 

Xem thêm các thông tin về Hành động của doanh nghiệp chống lại covid-19 tại đây

- Năm là, rà soát kế hoạch, mô hình kinh doanh để có điều chỉnh phù hợp; chủ động tìm kiếm cơ hội, tham gia lĩnh vực kinh doanh mới trong điều kiện không mất quá nhiều chuẩn bị hay nguồn lực (như sản xuất khẩu trang, dược phẩm, kinh doanh trực tuyến,…v.v.). Một số doanh nghiệp tranh thủ những lúc khó khăn để đào tạo nhân viên, rà soát và tinh giản quy trình; xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, vừa tạo cảm giác yên tâm, vừa tăng tính gắn kết lâu bền.

- Sáu là, các tổ chức tài chính cần sớm bắt tay vào cuộc, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân trong việc rà soát, đánh giá tác động, thiệt hại đối với khách hàng một cách nghiêm túc và tương đối chính xác cũng như tìm hiểu kỹ lưỡng các nhu cầu của khách hàng để có biện pháp hỗ trợ phù hợp (như cấp tín dụng mới, miễn phí, giảm lãi vay, tư vấn và quản lý rủi ro…); bao gồm cả việc cung ứng các sản phẩm – dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu của mô hình – lĩnh vực kinh doanh mới.

-  Bảy là, doanh nghiệp cần chuẩn bị phương án ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động kinh tế trở lại quỹ đạo với đà mạnh hơn (theo kịch bản cơ sở, chúng tôi dự báo là từ giữa quý 2/2020); khi đó, tâm thế sẵn sàng sản xuất kinh doanh năng suất hơn, cung ứng sản phẩm – dịch vụ tốt hơn là rất cần thiết.

- Cuối cùng, các doanh nghiệp cũng như tổ chức tài chính cần hết sức tỉnh táo, chủ động, hợp tác, gắn kết cùng với các hiệp hội ngành nghề để có đề xuất, hiến kế chuẩn xác cho Chính phủ, cơ quan chức năng, địa phương; nhưng trên hết là cần nỗ lực cao nhất, sáng tạo nhất để có thể "biến nguy thành cơ", vượt qua khó khăn, thách thức.

Nguồn: