Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Cần thanh tra lại hệ số CAR của các ngân hàng áp dụng Thông tư 41

12/01/2025
Từ 1/1/2020, Thông tư 41/2016 quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tương đương Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, có hiệu lực. Thông tư này áp dụng với ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, loại trừ các ngân hàng được đặt vào kiểm soát đặc biệt.

Thông tư yêu cầu các TCTD phải đạt tỷ lệ an toàn vốn thấp nhất là 8%, thấp hơn mức 9% của Thông tư 13/2010, nhưng yêu cầu khắt khe hơn về đánh giá tài sản rủi ro theo chuẩn Basel II.

Người Đồng Hành đã phỏng vấn chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu xoay quanh quá trình triển khai Thông tư 41/2016 và định hướng Basel II của ngành ngân hàng.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Cần thanh tra lại hệ số CAR của các ngân hàng áp dụng Thông tư 41 - Ảnh 1.

Chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: VNF

- Theo dõi quá trình triển khai Thông tư 41/2016 và Basel II, ông nhìn nhận việc triển khai của các ngân hàng hiện như thế nào?

Hiện nay có 18 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận áp dụng Thông tư 41. Văn bản này yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% với các TCTD, đây là một trong 3 trụ cột của hiệp ước Basel II.

Dù được chấp thuận nhưng kết quả áp dụng như thế nào thì cần phải thanh tra và có sự giám sát của NHNN chứ không phải họ đã áp dụng Thông tư 41 rồi thì sau đó tiêu chí tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu luôn trên 8%. Sau khi áp dụng các ngân hàng sẽ vẫn cần bảo đảm vốn khi tăng trưởng tín dụng để giữ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Đây mới là vấn đề quan trọng, còn họ áp dụng được rồi thì mới chỉ là khởi đầu thôi.

Mặt khác, Thông tư 41 mới chỉ là một phần của Basel II, không phải toàn bộ. Vì Basel II có 3 trụ cột, bên cạnh trụ cột đầu tiên, trụ cột thứ hai là đáp ứng quy trình nội bộ để kiểm soát rủi ro và trụ cột thứ 3 là tất cả thông tin phải minh bạch.

Thông tư 41 áp dụng năm 2020 là bước đầu, thành ra không thể nói 18 ngân hàng đó đã áp dụng được basel II. Chỉ duy nhất VIB vừa qua công bố thực hiện được 3 trụ cột thì có thể đạt Basel II nâng cao, còn những ngân hàng còn lại chỉ áp dụng thông tư 41 chứ không phải Basel II.

Ngoài 18 ngân hàng, phần còn lại cũng chưa có khả năng để áp dụng hiệp ước Basel II.

- Vì sao ban hành năm 2016 nhưng NHNN để thời gian hiệu lực của Thông tư 41 từ đầu năm 2020, 3 năm sau khi công bố?

- Tháng 12/2016, khi Thông tư 41 ra đời thì ngày hiệu lực là 1/1/2020, các ngân hàng thông báo được áp dụng vừa qua đã đi đúng lộ trình.

NHNN cho thời gian 3 năm vì để thực hiện Thông tư 41 đòi hỏi rất nhiều thay đổi về bộ máy, tổ chức, quản lý rủi ro, đánh giá rủi ro cho tín dụng, rủi ro cho thị trường, rủi ro cho nghiệp vụ. Những thay đổi trong cách tính như vậy không dễ dàng.

Các ngân hàng phải tìm lại số liệu quá khứ vì trong cách tính đó có yếu tố xác suất vỡ nợ của khách hàng. Cái này phụ thuộc vào kinh nghiệm quá khứ của ngân hàng, nên họ phải thu thập dữ liệu, và phân tách. Công đoạn này tương đối phức tạp. Đây cũng là vấn đề khúc mắc lớn nhất với các ngân hàng khi chuyển đổi lên Basel II.

Thông tư 41 quy định nhiều ngạch số cho các loại nợ bao gồm nợ bất động sản, nợ tiêu dùng… Ngân hàng phải phân tích cả danh mục cho vay của họ và chia theo quy định của thông tư để áp dụng hệ số rủi ro. Cần nhiều yếu tố để tính xác suất vỡ nợ. Trước đó, nhiều ngân hàng không nhất quán trong cách phân loại nợ, vì thế việc thực hiện không dễ.

- Vốn và chi phí có phải là khó khăn của các ngân hàng khi chuyển đổi?

- Tăng vốn và chi phí là 2 vấn đề tiếp theo làm khó các ngân hàng. Sau khi thống kê lại hệ thống, thu thập dữ liệu và gán hệ số rủi ro, các nhà băng sẽ tính toán tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 với công thức tổng tài sản có gồm 3 phần tổng tài sản theo rủi ro tín dụng, theo rủi ro thị trường và theo rủi ro nghiệp vụ. Nếu tỷ lệ an toàn vốn không đạt tối thiểu 8%, họ phải bổ sung vốn.

Các ngân hàng phải tìm cách huy động vốn từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, hoặc giữ lợi nhuận lại chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đây là 2 cách mà các ngân hàng đang thực hiện trong những năm qua.

Mặt khác, nếu không thể tăng vốn với những cách trên, theo tôi các ngân hàng phải tiến hành sáp nhập vào với nhau để tạo nên ngân hàng mạnh hơn. Nếu không thể thực hiện đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sau 1,2 năm thì họ phải áp dụng luật phá sản của ngân hàng, để Nhà nước cấp vốn hoặc chịu sự kiểm soát đặc biệt của NHNN.

Chi phí cũng là vấn đề với nhiều ngân hàng. Chi phí để chuyển đổi sang Basel II rất lớn và tùy thuộc vào quy mô mỗi ngân hàng và mức độ đầu tư công nghệ, nhân lực.

Với ngân hàng quy mô nhỏ, hoặc đã có hệ thống công nghệ tiên tiến, có hệ thống phân loại nợ tốt thì chi phí của họ sẽ thấp hơn các ngân hàng khác. Những ngân hàng công nghệ lạc hậu, và việc phân loại dữ liệu không nhất quán trong quá khứ, họ phải tìm lại sổ sách phân loại nợ, đầu tư công nghệ thông tin, về nhân lực, từ đó tổng thể chi phí chuyển đổi sẽ rất lớn. Không có con số cụ thể chung cho các ngân hàng và thường các nhà băng cũng không công bố thông tin này.

- Những ngân hàng chưa đạt Thông tư 41/2016 phải làm gì, thưa ông?

- Các nhà băng chưa được phê duyệt áp dụng Thông tư 41/2016 phải thực hiện từng bước, thu thập dữ liệu, tính toán lại hệ số an toàn vốn trên cơ sở tính tài sản có rủi ro về tín dụng, thị trường, nghiệp vụ. Căn cứ vào đó nhà băng sẽ xây dựng phương án tăng vốn, để đảm bảo tỷ lệ tối thiểu.

Mặt khác, trong Thông tư 22/2019, NHNN đã để mở cho các ngân hàng chưa thực hiện Thông tư 41/2016, nới thêm 3 năm để thực hiện (hạn chót đến hết năm 2022), bằng việc yêu cầu các đơn vị này gửi văn bản đến NHNN trước ngày 1/1/2020 nêu rõ lý do và giải pháp, lộ trình để đảm bảo tuân thủ Thông tư 41.

Tôi cho rằng NHNN đã cho các ngân hàng 3 năm chuẩn bị nhưng họ không làm được thì phải có biện pháp xử lý. Việc nới thời hạn thực hiện của một thông tư với một nhóm ngân hàng sẽ tạo tiền lệ trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Các ngân hàng đã có thời gian thực hiện, nếu họ không làm được thì phải xử lý một cách nghiêm túc hơn.

Nguồn: