Chuyên gia nói gì về việc ngân hàng đồng loạt lãi cao bất chấp dịch bệnh?

15/01/2025
Bà Đỗ Quỳnh Chi - Giám đốc Trung tâm Quan hệ lao động cho rằng hiện nay hệ thống tài chính tốt là điều kiện cần để các doanh nghiệp có nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên, cũng cần đặt câu hỏi lợi nhuận ngân hàng cao sẽ đem lại điều tốt đẹp gì cho đại đa số người lao động và doanh nghiệp thời gian tới.

Các ngân hàng đang trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, đáng nói là hầu như nhà băng nào cũng công bố lợi nhuận cao kỷ lục, tăng trưởng 2 con số, thậm chí 3 con số so với cùng kỳ năm ngoái. 

Cũng thời gian này, đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp trên cả nước đặc biệt là khu vực phía Nam. Sự bùng phát trở lại của dịch bệnh đã khiến cho nhiều người lao động và doanh nghiệp rơi vào tình cảnh ngày càng khó khăn, chật vật. 

Tại tọa đàm trực tuyến 'Kinh tế thời đại dịch: Khi chiến lược thay đổi', ông Trần Trọng Kiên Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB), Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh cho rằng, trong đại dịch, doanh nghiệp vẫn phải hy sinh đầu tiên. Có nghĩa là doanh nghiệp làm ngành khách sạn là 100%. Sau đó là doanh nghiệp bán lẻ. Sau đó thì mới đến các doanh nghiệp tài chính. Như vậy mức độ ảnh hưởng, thời gian ảnh hưởng tới các ngân hàng sẽ chậm lại, khoảng cách tối thiểu là từ 3 – 6 tháng sau. Do đó, hiện chúng ta vẫn chưa nhìn thấy ảnh hưởng đến ngân hàng.

"Tôi tin rằng sẽ có sự điều chỉnh kết quả kinh doanh của ngân hàng vào 6 tháng sau, mức độ tăng trưởng không còn như 6 tháng đầu năm", ông Kiên cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành - giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng nên nhìn nhận ngân hàng hoạt động tốt là điểm tích cực. Bởi lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế mà khủng hoảng xảy ra, nhưng ổn định vĩ mô và sức khỏe ngành tài chính ngân hàng vẫn được giữ vững. Các tổ chức tài chính cũng đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. 

"Những lần trước yếu kém đến từ nội bộ ngân hàng dẫn đến khủng hoảng hay do tác động của nước ngoài, ảnh hưởng của kinh tế dẫn đến đổ vỡ ngành tài chính, bất ổn vĩ mô trong nước. Nhưng hiện nay, ngành tài chính vẫn đứng vững", vị chuyên gia cho biết. 

Điều này có được, theo ông Thành là nhờ 5 năm qua hệ thống ngân hàng tăng trưởng tốt và tránh lịch sử lặp lại là tăng trưởng nóng, không tăng trưởng tín dụng quá đà, lạm phát được kiểm soát. Các ngân hàng cũng đổi mới về quản trị điều hành, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế về quản trị rủi ro.

"Nhiều ý kiến bức xúc rằng ngân hàng tăng trưởng mạnh, báo cáo lợi nhuận cao trong khi nhiều ngành khó khăn. Nhưng chúng ta cần lưu ý, đây là câu chuyện thị trường, không thể ép các ngân hàng phải hỗ trợ, chia sẻ", ông nêu quan điểm. Điều quan trọng là các ngân hàng vẫn huy động và phân bổ được vốn cho nền kinh tế. 

Cùng quan điểm, bà Đỗ Quỳnh Chi - Giám đốc Trung tâm Quan hệ lao động cho rằng hiện nay hệ thống tài chính tốt là điều kiện cần để các doanh nghiệp có nguồn vốn tín dụng.

Bà so sánh, giai đoạn 2004-2005, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đi đến nấc cao hơn trong chuỗi cung ứng và họ vẫn đang có nguồn hỗ trợ vốn từ ngân hàng với lãi suất vừa phải. Nhưng sau đó, ngân hàng gặp khó khăn, nguồn vốn tín dụng hạn chế khiến nhiều doanh nghiệp bị tụt lại trong chuỗi cung ứng, phải thu hẹp sản xuất rất nhiều. Do đó ngược lại, hiện nay ngân hàng làm tốt là điều tích cực.

Tuy nhiên, bà Chi cũng cho rằng cần đặt câu hỏi lợi nhuận ngân hàng cao sẽ đem lại điều tốt đẹp gì cho đại đa số người lao động và doanh nghiệp. "Lợi nhuận cao của ngân hàng là tốt nhưng có nên cân nhắc lại các vấn đề ưu đãi với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn với dịch cũng như các tác động khác về đơn hàng", bà Chi nói.

Về tín dụng tiêu dùng, tín dụng cho người lao động. Năm 2020, tín dụng đen xuất hiện nhiều và gây ra nhiều bi kịch cho người lao động, đặc biệt đối với người lao động di cư. Do đó cần đặt vấn đề, ngân hàng làm ăn tốt thì hỗ trợ người lao động như thế nào, khi họ không có bà con họ hàng, tài sản thế chấp, hiểu biết để tiếp cận nguồn tín dụng an toàn.

Ông Trần Trọng Kiên cũng cho rằng một hệ thống mà ngân hàng phát triển bền vững thì cần dựa trên nền tảng các doanh nghiệp mạnh khỏe và chia sẻ lợi ích phù hợp. Ông nêu quan điểm: "Đến hiện tại, Việt Nam đang có cơ sở để cân nhắc, khi vĩ mô ổn định, rủi ro lạm phát không cao, sẽ đảm bảo được mức lãi vay hạn chế bằng hai cách: một là tiền huy động mức thấp hơn; hai là chi phí cho ngân hàng giảm bằng cách áp dụng công nghệ, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn". 

Nguồn: