Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, trong bối cảnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh covid-19 như hiện nay, chính sách tiền tệ của Việt Nam cần cân nhắc 4 điểm chính và ưu tiên thực hiện.
Một là chưa nên giảm lãi suất điều hành của NHNN do: áp lực lạm phát năm nay ở mức khá cao (chỉ số CPI tháng 1/2020 tăng 6,43% và lạm phát cơ bản tăng 3,25% so với cùng kỳ năm 2019), chỉ số CPI cả quý 1/2020 có thể ở mức trên 5% so với cùng kỳ, và cả năm dưới 4% là rất khó khăn; Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện nay và cả quý 2/2020 còn yếu, tính đến hết ngày 19/2/2020, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,28% so cuối năm 2019 (theo NHNN); Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam nên duy trì ở mức vừa phải (mức tăng trưởng 13-14%/năm đang là cao nhất trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong khi quy mô tín dụng của Việt Nam lớn (khoảng 136% GDP cuối năm 2019); nên nếu giảm lãi suất là chưa trúng và có thể sẽ đẩy tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thứ hai, vì lý do trên, việc tung ra gói hỗ trợ lãi suất (như năm 2009) là chưa cần thiết lúc này vì hiệu quả không cao và rất phức tạp khi triển khai.
Thứ ba, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với hộ kinh doanh và doanh nghiệp là dòng tiền và tính thanh khoản. Vì vậy, cần tập trung hỗ trợ điểm huyệt này. Theo đó, hệ thống ngân hàng đã vào cuộc. NHNN đã có yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) xem xét cho phép bên vay giãn, hoãn nợ, giảm lãi/phí, không chuyển nhóm nợ, cho vay mới phục vụ SX-KD..v.v. Các TCTD đã tung ra hàng loạt các gói tín dụng với lãi suất giảm từ 0,5-1%/năm, giảm một số loại phí, rà soát, xem xét từng khách hàng, khoản vay để có biện pháp hỗ trợ tương ứng. Theo đó, NHNN cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn, quy định tiêu chí để xác định đối tượng được hỗ trợ và tiếp tục hỗ trợ gián tiếp như cho vay tái cấp vốn, cho vay trên thị trường mở để các TCTD có thể tiếp cận một phần nguồn vốn chi phí thấp hơn. Và chuyên gia cho rằng, thực hiện tốt những điều trên là thuốc vaccine phù hợp nhất đối với doanh nghiệp, hộ gia đình chịu tác động dịch Covid-19 hiện nay.
Thứ tư, dùng nhiều công cụ, biện pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và thị trường vàng cũng là những động lực quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giúp người dân và doanh nghiệp yên tâm làm ăn hơn.
Đối với chính sách tài khóa, theo TS. Cấn Văn Lực, trong điều kiện chống cú sốc ngắn hạn hiện nay, cần ưu tiên hơn sử dụng chính sách tài khóa. Theo đó, Chính phủ xem xét cho phép sử dụng công cụ thuế và đầu tư công nhằm hỗ trợ tổng cầu.
Thứ nhất, cho phép giãn, hoãn các nghĩa vụ tài chính (thuế, bảo hiểm xã hội…) như tiếp tục giảm thuế nhập khẩu thiết bị y tế, dịch vụ y tế; giãn, hoãn nộp thuế, chi trả bảo hiểm xã hội cho người lao động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh….v.v.
Thứ hai, Chính phủ sớm trình Quốc hội chính thức cho phép giảm thuế thu nhập DNNVV xuống mức 15-17% (Luật hỗ trợ DNNVV năm 2017 cho phép điều này, nhưng cần được Quốc hội thông qua).
Và thứ ba, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đặc biệt là dự án lớn, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt theo kế hoạch. Các Thành phố lớn như TP. HCM và Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, thanh-kiểm tra các dự án BĐS để sớm quyết định cho phép triển khai hay không.
Nguồn: