Coi chừng khi tài khoản nhận khoản tiền lạ
Đây là chiêu thức lừa đảo được một số kẻ gian sử dụng, nhắm vào những người hiền lành, nhẹ dạ cả tin. Cụ thể, sau khi đã có được một số thông tin cá nhân của người dùng, như tên tuổi, số điện thoại hay thậm chí là địa chỉ, các đối tượng lừa đảo sẽ cố ý "chuyển nhầm" một khoản tiền đến cho "con mồi". Kẻ lừa đảo sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính nào đó để liên hệ với "con mồi" và yêu cầu trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với một khoản lãi "cắt cổ".
Điển hình, trường hợp chị O. (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội). Chị cho biết, ngày 12/6/2021, chị bất ngờ nhận được hơn 45 triệu đồng chuyển vào tài khoản ngân hàng cùng với nội dung đính kèm khó hiểu. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, một tài khoản zalo lạ kết bạn với chị và nói rằng, công ty tài chính đã giải ngân khoản vay của chị. Như vậy, chị O. bỗng nhiên trở thành một người vay nợ.
Đối tượng nhắn tin qua lại với ý định lừa đảo nạn nhân. Ảnh: PV
Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo vì bản thân không thực hiện bất cứ thủ tục vay mượn nào, nên chị O. đã trình báo sự việc lên cơ quan công an. Có vẻ như biết được hành vi lừa đảo đã bất thành, đối tượng trên lập tức đổi thái độ, nhắn nhiều tin cho chị với nội dung hăm dọa. Chị O. cho biết, đã thực hiện các thủ tục tra soát với ngân hàng, đồng thời giao toàn bộ số tiền cho cơ quan công an giải quyết.
Một chiêu thức khác của các đối tượng lừa đảo là lập ra trang web giả mạo ngân hàng, có giao diện khá giống với website của ngân hàng. Sau đó các đối tượng tìm kiếm trên mạng những trường hợp khách hàng chuyển khoản nhầm và đóng giả nhân viên ngân hàng hỗ trợ khắc phục sự cố chuyển nhầm, nhận nhầm. Khi bị hại tin thật, nhóm này gửi đường link để họ đăng nhập vào website giả mạo để chiếm đoạt thông tin, chiếm đoạt tiền trong tài khoản thật của khách hàng.
Liên quan đến hành vi lừa đảo dạng này, đầu tháng 5/2021, Công an quận Đống Đa, TP Hà Nội đã bắt giữ nhóm đối tượng chuyên giả danh ngân hàng lừa đảo người chuyển khoản nhầm để chiếm đoạt tiền của họ. Các đối tượng trong ổ nhóm này gồm Trương Huy Cường (SN 1993), Lê Minh Hoàng (SN 1998) và Lưu Quốc Toàn (SN 1987), đều trú tại tỉnh Quảng Nam.
Trước đó các đối tượng phát hiện chị Phạm Thị T. (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) chuyển nhầm tiền và lên mạng hỏi cách lấy lại. Các đối tượng lập tức đóng vai là nhân viên ngân hàng liên hệ lại rồi chiếm quyền quản trị tài khoản, lấy đi hơn 200 triệu đồng của chị. Để tránh bị truy vết, nhóm này chuyển tiền từ tài khoản người bị hại vào tài khoản ví điện tử sử dụng SIM rác. Từ các ví điện tử này sẽ chuyển tiền nạp vào game có máy chủ đặt tại nước ngoài.
Chủ động làm việc trực tiếp với ngân hàng
Theo vị điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội, khi chủ tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền "chuyển nhầm" cho mình thì cần làm theo các bước sau. Một là không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân, nếu đó là tiền chuyển nhầm thật thì sẽ có đại diện ngân hàng liên hệ để làm việc, hoặc người dân có thể chủ động liên hệ với ngân hàng để thông báo.
Người dân tuyệt đối không chuyển hoàn cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng, tránh bị phiền toái sau này. Đồng thời không chuyển hoàn vào một tài khoản khác với tài khoản đã chuyển cho mình, phải chờ ngân hàng giải quyết trước. Khi nhận được điện thoại từ ngân hàng, người dân cần kiểm tra xem có đúng là số của ngân hàng không. Để chắc chắn hơn, chủ tài khoản nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp.
"Đặc biệt, không cung cấp mã OTP, tên đăng nhập, password của tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai kể cả họ có tự xưng là người thân, bạn bè, nhân viên ngân hàng hay cơ quan chức năng...", vị điều tra viên khuyến cáo.
Nguồn: