Liên tiếp các vụ giang hồ núp bóng dịch vụ đòi nợ thuê, có hành vi vi phạm pháp luật như bắt giữ người trái phép, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản, khủng bố tinh thần người thân của con nợ tại nhiều địa phương khiến dư luận không khỏi lo ngại. Loại hình kinh doanh dịch vụ này đã bị một số đối tượng lợi dụng để thành lập các băng nhóm đòi nợ thuê mang tính chất “xã hội đen” gây phức tạp về an ninh trật tự. Vì vậy, trong Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi dịch vụ đòi nợ thuê được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào diện cấm kinh doanh.
Các đối tượng đòi nợ thuê ở Đồng Nai bị bắt giữ.
Nghị định 104 năm 2007 của Chính phủ về kinh doanh đòi nợ nghiêm cấm các hành vi trong dịch vụ đòi nợ gồm: thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ chủ nợ và tổ chức cá nhân khác liên quan; sử dụng các thông tin có được từ hoạt động dịch vụ đòi nợ gây bất lợi tới chủ nợ và khách nợ để phục vụ cho các mục đích khác ngoài nội dung được ủy quyền hoặc tiết lộ thông tin đó cho tổ chức cá nhân khác.
Biến tướng thành các băng nhóm
Nhưng trong thực tế nhiều công ty thu hồi nợ đã không thực hiện đúng quy định này, sử dụng nhiều biện pháp đòi nợ phản cảm, vi phạm pháp luật như mang quan tài, vòng hoa đến để trước cửa nhà con nợ, ném chất bẩn vào nhà người vay nợ.
Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.HCM. Ảnh: Zing.vn |
Thượng tá Nguyễn Đăng Nam - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết phần lớn các công ty thu hồi nợ ở thành phố đều hoạt động sai quy định: “99% đều không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của việc thu hồi nợ. Ví dụ đăng ký nhân viên đi thu hồi nợ đều có học vấn, trình độ, công ăn việc làm, nhưng khi sử dụng những đối tượng đi đòi nợ thì không có trong danh sách nhân viên công ty, mà toàn xăm trổ, đầu trọc, tiền án tiền sự đến gây sức ép”. |
Thời gian qua có nhiều doanh nghiệp dịch vụ đòi nợ thuê để biến tướng thành các băng nhóm hoạt động cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất an ninh trật tự, gây áp lực lên con nợ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cả nước hiện có gần 220 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chủ yếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhưng không có đơn vị nào hoạt động lành mạnh, chủ yếu là xã hội đen, cho vay nặng lãi, ép người vay trả lãi suất rất cao dẫn đến tình hình an ninh trật tự phức tạp: “Đóng góp của lĩnh vực này cho nền kinh tế không đáng bao nhiêu so với những thứ chúng ta phải bỏ ra để khắc phục, trấn an. Việc thiết kế nên một cơ chế để giám sát, quản lý chặt chẽ là một vấn đề rất khó, nhưng bây giờ thiết kế thế nào để quản lý là một thách thức rất lớn đối với cơ quan chúng tôi”.
Dịch vụ thu nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế
Rõ ràng dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê đã và đang bị biến tướng, hoạt động phi pháp. Những người đi đòi nợ thuê tự biến mình thành xã hội đen, băng nhóm tội phạm gây mất an ninh trật tự, đẩy biết bao gia đình vào cảnh khốn cùng, khuynh gia bại sản, thậm chí có người đã tìm đến cái chết để tự giải thoát.
Trong điều kiện hiện nay, kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong thực tế dù có không ít trường hợp lợi dụng loại hình này để biến tướng, nảy sinh thành các băng nhóm tội phạm, chiếm đoạt tài sản của người khác. Việc cơ quan chức năng lo lắng và đề xuất giải pháp nhằm quản lý xã hội tốt hơn là chính đáng, nhưng không thể vì không quản được thì cấm.
Do đó nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm dịch vụ đòi nợ mà cần sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra giám sát để quản lý chặt chẽ hoạt động này.
Trong thực tiễn có rất nhiều tổ chức cá nhân không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng và khi cần gấp một khoản tiền họ đã phải tìm đến bên cho vay nợ. Hoạt động cho vay này pháp luật không cấm nhưng cho vay với lãi suất quá quy định đã vi phạm luật hình sự về tội cho vay nặng lãi và sẽ bị truy tố trước pháp luật. Tương tự, việc đòi nợ thuê pháp luật không cấm nhưng dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự của khách nợ là đã vi phạm pháp luật và bị xử lý nghiêm theo Bộ luật Hình sự. Không thể cấm được hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì thị trường có nhu cầu và rất dễ biến tướng.
Theo chuyên gia tâm lý tội phạm Đoàn Văn Báu cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê có thể dẫn tới hiệu ứng ngược làm nảy sinh các dịch vụ thu nợ bất hợp pháp và hậu quả là công tác quản lý càng gặp khó khăn: “Tạo ra xu hướng là các hoạt động của các công ty này trở nên phổ biến và các hoạt động núp bóng của công ty này trở nên phổ biến. Khi nhập nhằng như vậy và chúng ta buông lỏng sự quản lý thì kể cả những đối tượng có hành vi sử dụng tín dụng đen, đối tượng côn đồ có thể trà trộn trong những công ty này để thực hiện. Do đó đã khó quản lý càng khó quản lý hơn, đã phức tạp càng phức tạp hơn.
Dịch vụ thu nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế, khách quan trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Khi nền kinh tế phát triển thì các quan hệ vay nợ, đảm bảo lợi ích của các bên phát triển rất mạnh. Thực tế thường có hai hình thức để giải quyết vấn đề thu nợ, một là khởi kiện ra tòa, hai là nhờ một đơn vị trung gian đứng ra đòi nợ. Sự ra đời của các công ty thu hồi nợ hoàn toàn phù hợp quy định khách quan của thị trường cũng như các nhu cầu của xã hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Báo Thanh niên. |
Theo số liệu thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tỉ lệ thành công khi dùng những dịch vụ thu hồi nợ đạt được từ 70%-80% và thời gian từ 1 đến 3 tháng, còn sử dụng phương án khởi kiện tại tòa án thì hiệu quả thu hồi chỉ khoảng 50% và thời gian kéo dài lâu hơn, thậm chí có vụ kéo dài đến vài năm.
Cấm hay không?
Từ thực trạng này luật sư Hoàng Ngọc, Trưởng văn phòng luật Nhiệt Tâm và cộng sự, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng không nên cấm dịch vụ kinh doanh thu hồi nợ: “Việc bỏ đi là không nên, phải đánh giá trong suốt 10 năm thực hiện vừa qua họ đã giải quyết phần nào các công nợ và giải quyết giữa các chủ nợ dân sự với nhau. Tuy nhiên, một phần về pháp luật, một phần về công tác quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến thu hồi nợ chưa được chặt chẽ dẫn đến xảy ra những tình trạng như vừa qua”.
Đây cũng là ý kiến của Nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa Phạm Cương: “Tôi cho rằng việc cấm là không nên vì vấn đề đòi nợ ấy là tất yếu khách quan và nó cũng đã giải quyết rất hiệu quả trong thời gian vừa qua. Vấn đề đặt ra là công tác quản lý của Nhà nước như thế nào đối với các tổ chức đòi nợ này chứ không phải bây giờ khó khăn và biến tướng nên cấm. Tôi nghĩ rằng vấn đề này cần tăng công tác quản lý của Nhà nước”.
Tại phiên hợp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối tháng 3 vừa qua khi cho ý kiến về các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự án Luật Đầu tư sửa đổi thì vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tập trung thảo luận là cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhưng để hạn chế tiêu cực phát sinh cần bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý Nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này, hoặc có thể xem xét, thay tên dịch vụ đòi nợ thuê thành tên gọi dịch vụ xử lý nợ: “Nên giữ lại hoạt động này vì hoạt động kinh doanh này phù hợp với thực tế. Thứ nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường và thực tế trong thời gian vừa qua nó đã có phát huy những tác dụng. Tuy nhiên vì chúng ta chưa có quy định rõ ràng và chặt chẽ cũng như điều kiện phải tuân thủ với hoạt động này cho nên vừa qua đã có một số biến tướng. Vậy nên chúng ta cần quy định thêm những điều kiện thật chặt chẽ và đề nghị xem xét sửa đổi tên kinh doanh hoạt động đòi nợ thuê bằng một tên khác nhân văn hơn, như là hoạt động kinh doanh xử lý nợ”.
Vay nợ và thu hồi nợ là một nhu cầu tất yếu của một xã hội phát triển khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp để đạt kết quả phù hợp với các quy định của pháp luật. Đòi nợ theo kiểu xã hội đen là do chưa thực hiện tốt quản lý Nhà nước đối với loại hình kinh doanh này. Do đó không nên cấm mà cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý Nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này./.
Nguồn: