Có những cái "KHÔNG" còn đáng lo hơn "KHÔNG tài sản bảo đảm" của trái phiếu doanh nghiệp

20/12/2024
Theo chuyên gia, nguyên tắc cho vay nói chung và đầu tư trái phiếu nói riêng thì tài sản bảo đảm không phải yếu tố duy nhất hay quan trọng hàng đầu để xem xét mua trái phiếu. Quan trọng nhất là đánh giá được tình hình tài chính, hoạt động của DN.

Tại Tọa đàm: "Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp" do Báo Người lao động tổ chức sáng nay (19/4), TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho biết, trái phiếu là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng.

Hàng năm, hệ thống ngân hàng đưa ra nền kinh tế 1,4-1,5 triệu tỉ đồng, 45% trong đó là vốn trung dài hạn. Như vậy, nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế rất lớn. Ước tính giai 2022-2025, nền kinh tế cần 3,15 triệu tỉ đồng/năm để đầu tư toàn xã hội. Trong khi vốn nhà nước chỉ chiếm 25%-26%, còn lại phải huy động nguồn lực bên ngoài. Từ đó cho thấy vai trò quan trọng của thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.

Trái phiếu doanh nghiệp sẽ góp phần phát triển lành mạnh, cân đối hơn hệ thống tài chính. Bởi bản chất của hệ thống ngân hàng là huy động vốn gửi ngắn và trung hạn, cho vay cũng chủ yếu ngắn và trung hạn chứ không phải dài hạn là chủ yếu. Khi thị trường trái phiếu DN phát triển sẽ góp phần đa dạng hóa kênh đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm tài chính.

Ngoài ra, đây còn là kênh huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân và DN hay tổ chức khác, hạn chế vàng hoá, đô la hóa. Huy động vốn nguồn lực cả trong và ngoài nước qua đầu tư qua quỹ hay trực tiếp.

Bên cạnh nhìn nhận vai trò của thị trường trái phiếu, cần bắt đúng "bệnh" của nó từ đó có kiến nghị cơ quan quản lý, nhà dầu tư cho thị trường phát triển lành mạnh hơn.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường trái phiếu hiện nay vẫn còn rất non trẻ, mới chỉ hơn 10 năm và chỉ phát triển tương đối nhanh, mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây. Vốn huy động qua thị trường chứng khoán gồm cả cổ phiếu và trái phiếu tương đương 26% tổng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế. Trái phiếu DN chiếm khoảng 22,7% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế mỗi năm, còn nguồn vốn huy động qua phát hành cổ phiếu chỉ chiếm 3,5% tổng lượng vốn đưa ra nền kinh tế.

Cũng tại tọa đàm, nói về những rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp, Thạc sỹ Nguyễn Anh Vũ, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM cho biết, mọi người thường nhắc đến khái niệm "3 không" với DN phát hành trái phiếu (không tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, không tài sản bảo đảm).

Về không có bảo lãnh từ tổ chức tài chính có uy tín, nhiều người không phân biệt được bảo lãnh thanh toán và bảo lãnh phát hành. Bảo lãnh thanh toán là trả nợ thay, nếu ngân hàng bảo lãnh thì họ phải phân tích, thẩm định trước khi chấp thuận. Nhà đầu tư khi mua trái phiếu này thì cũng yên tâm thêm. Bảo đảm bằng tài sản nôm na là nếu DN không trả được nợ thì bên bảo lãnh sẽ bán tài sản để thanh toán, tạo an toàn cho người mua trái phiếu.

Ông Nguyễn Anh Vũ cho biết, nguyên tắc cho vay nói chung và đầu tư trái phiếu nói riêng thì tài sản bảo đảm không phải yếu tố duy nhất hay quan trọng hàng đầu để xem xét mua trái phiếu. Quan trọng nhất là đánh giá được tình hình tài chính, hoạt động của DN.

"Tôi lo ngại ngoài "3 không" thì còn có cái "không" thứ 4, thứ 5 khác, như không có năng lực tài chính tốt, dòng tiền, phương án kinh doanh không khả thi, dòng vốn không đúng mục đích… Những điều này đôi khi còn đáng lo hơn việc không có tài sản bảo đảm", ông nói.

Năm 2021, phát hành trái phiếu DN bằng cả giai đoạn 2011-2018, trong đó 95% là phát hành riêng lẻ, 5% phát hành ra công chúng. Vị chuyên gia băn khoăn số lượng trái phiếu DN tăng đột biến, mà năng lực phân phối, bán trái phiếu của DN, ngân hàng vẫn rất tốt. Pháp luật hiện nay quy định điều kiện phát hành riêng lẻ luôn thấp hơn phát hành công chúng. Trước kia, nhà đầu tư cá nhân không quan tâm nhiều đến kênh trái phiếu DN mà chỉ quan tâm kênh cổ phiếu thôi. Vấn đề ở chỗ là tại sao DN lại phát hành riêng lẻ nhiều như vậy? Trong khi nhà đầu tư cá nhân mua chỉ chiếm chưa đến 9% lượng trái phiếu phát hành.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân do nới rộng định nghĩa nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không chỉ tổ chức mà còn DN khác, nhà đầu tư cá nhân sở hữu danh mục đầu tư cổ phiếu. Do vậy, nhà đầu tư phải có trách nhiệm cao trong phân tích đánh giá rủi ro của bên phát hành.

https://cafef.vn/co-nhung-cai-khong-con-dang-lo-hon-khong-tai-san-bao-dam-cua-trai-phieu-doanh-nghiep-20220419134932829.chn

Nguồn: