CTG của VietinBank tăng giá mạnh nhất trong các cổ phiếu ngân hàng tuần qua, tăng 5,1% trong tuần và đóng cửa ngày 25/6 ở mức 53.800 đồng/cp. Thông tin tích cực hỗ trợ cho cổ phiếu này những ngày gần đây là kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ hơn 29%. Ngân hàng đã chốt ngày 8/7 là ngày chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức. Sau khi phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng lên hơn 48.000 tỷ đồng, là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất.
Các cổ phiếu ngân hàng tăng trên 3% trong tuần qua còn có ACB (3,9%), MBB (3,8%), VCB (3,8%) và HDB (3,1%).
Trong khi đó cũng có nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm giá tuần này, VBB của VietBank giảm 3,1%, BAB của BacABank giảm 3%, VIB giảm 2,6%, KLB của Kienlongbank giảm 1,9%.
Với việc tăng giá thêm 3,8% trong tuần này, vốn hóa của VCB tăng lên hơn 417.000 tỷ đồng, tiếp tục là doanh nghiệp có vốn hóa cao nhất trên thị trường chứng khoán.
Hiện có 17/26 ngân hàng có vốn hóa đạt trên 1 tỷ USD. Ngân hàng có vốn hóa thấp nhất hiện nay là SGB (Saigonbank) với hơn 5.800 tỷ, tiếp theo là PGB (Pgbank ) với 6.720 tỷ đồng, NVB (NCB) hơn 7.700 tỷ.
Thông tin nổi bật về các ngân hàng thời gian gần đây là các kế hoạch tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu. LPB (LienVietPostBank) mới đây đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ, chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12%.
MB thì đã nộp tài liệu báo cáo kế hoạch chia cổ tức tới UBCKNN và dự kiến sẽ sớm triển khai trong thời gian tới. Ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 35% để tăng vốn điều lệ thêm gần 10.000 tỷ đồng.
Tuần này, VPBank cũng bất ngờ thông báo lấy ý kiến cổ đông về việc chia cổ tức dù trước đó tại ĐHĐCĐ thường niên ngân hàng đã thông qua việc không chia cổ tức trong năm nay.
Ngoài ra, thông tin đáng chú ý khác về hoạt động kinh doanh của các ngân hàng là việc nới room tín dụng. Tại họp báo hôm 21/6, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có khoảng 10 ngân hàng thương mại gửi đề nghị xin nới room tín dụng và NHNN đang xem xét nới hạn mức tăng trưởng cho các ngân hàng này.
Nguồn tin của Diễn đàn doanh nghiệp cho biết, ACB và MBB khả năng sẽ được NHNN nới room tín dụng năm 2021 lên 15%. Hết quý 1/2021, room tín dụng của MBB được cấp là 9% nhưng 5 tháng đầu năm MBB đã cạn room và vượt chỉ tiêu. ACB ban đầu được cấp quota tín dụng cả năm là 9,5% nhưng hiện cũng đã cạn room.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN sẽ căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng TCTD, để xếp hạng A, B, C… và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng linh hoạt.
Nguồn: