SHB là cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất tuần này với mức tăng 10,73%. Cổ phiếu này có màn "chào tạm biệt" sàn HNX đầy ấn tượng khi thanh khoản bùng nổ và giá tăng ấn tượng trong 2 phiên 4-5/10. Đặc biệt trong phiên 4/10, SHB liên tục duy trì sắc xanh ngược với thị trường với mức tăng vững vàng trên dưới 2% và bất ngờ kéo lên mức tăng 8% trong phiên ATC. Ngày 5/10 là ngày giao dịch cuối cùng của SHB trên HNX và đầu tuần sau (ngày 11/10), SHB sẽ chính thức giao dịch trên HoSE với giá tham chiếu 28.900 đồng/cp.
Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh tiếp theo là SSB của SeABank khi tăng 6% trong tuần giao dịch vừa qua, đóng cửa phiên 8/10 ở mức 38.000 đồng/cp.
Các cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo là OCB (4,32%), STB (4,05%), TCB (3,47%), KLB (2,74%). Các mã còn lại như VCB, VPB, BID, BVB, BAB,….chỉ tăng nhẹ trên dưới 1%.
Ở chiều ngược lại, có 9 cổ phiếu giảm giá trong tuần qua. Trong đó, NVB giảm 3,79% xuống 27.900 đồng/cp. VBB giảm 2,38% xuống 16.400 đồng/cp. HDB giảm 2% xuống 24.350 đồng/cp,… Ngoài ra còn có CTG, TPB, PGB, EIB giảm 1-2% trong tuần.
Thanh khoản của nhóm ngân hàng trong tuần qua giảm so với tuần trước với khoảng 500 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư.
Mặc dù chỉ giao dịch trong 2 phiên 4-5/10 nhưng SHB vẫn dẫn đầu về khối lượng giao dịch toàn ngành, đạt hơn 71 triệu đơn vị. Các cổ phiếu có thanh khoản cao tiếp theo là STB (hơn 60 triệu cp), VPB (hơn 56 triệu cp), CTG (hơn 50 triệu cp),…
TPB là cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại mua mạnh nhất tuần qua với khối lượng mua ròng đạt gần 30 triệu cp. Đáng chú ý, ở diễn biến liên quan, nhóm nhà đầu tư nước ngoài của SoftBank đăng ký mua vào 28,4 triệu cp TPB, dự kiến giao dịch từ 5/10-3/11/2021.
Trong tuần qua, MSB và VPB đã chốt danh sách cổ đông vào ngày để trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ lần lượt 30% và 80% vào ngày 7/10. Ngày 6/10 – ngay trước ngày giao dịch không hưởng quyền, MSB và VPB đều giảm mạnh khi nhiều nhà đầu tư e ngại nhận cổ tức bằng cổ phiếu bởi trước đó đã có loạt cổ phiếu ngân hàng đều gảm sâu sau khi chia cổ tức.
Các ngân hàng bắt đầu vào mùa công bố báo cáo tài chính quý 3 và dự kiến sẽ có nhiều bất ngờ. TPBank là ngân hàng đầu tiên hé lộ kết quả kinh doanh với lợi nhuận 9 tháng đạt 75,76% kế hoạch cả năm, tương đương khoảng 4.394 tỷ đồng.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, ước tính lợi nhuận trong quý 3 có thể tăng trưởng chậm lại đáng kể so với quý 2/2021. Ngoài ra, sau tròn một quý thực hiện giãn cách tại TP.HCM, bức tranh nợ xấu của ngành ngân hàng đang là vấn đề được quan tâm nhiều hơn. Điều trên có thể được nhận thấy thông qua mức độ giảm giá của các ngân hàng thời gian qua, nếu điều chỉnh thêm cho các yếu tố câu chuyện riêng biệt. Các chuyên gia của VDSC kì vọng điểm rơi về nợ xấu sẽ chủ yếu ở quý 4, nhưng các ngân hàng sẽ chủ động trích lập trong quý 3 tùy tình hình và năng lực tài chính của riêng từng ngân hàng. Do yếu tố độ trễ này, nhóm phân tích duy trì quan điểm lạc quan trong thận trọng về ngành ngân hàng, với tầm nhìn tích cực tập trung tại một số lượng cổ phiếu nhất định.
Trong khi đó, Chứng khoán SSI mới đây đã ước tính lợi nhuận quý III của 8 ngân hàng, nhìn chung lợi nhuận 9 tháng của các ngân hàng vẫn sẽ có tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận trong quý 3/2021 của nhiều ngân hàng sẽ tăng trưởng chậm lại nếu so với quý 2/2021. Theo dự báo của SSI, Techcombank có thể là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong quý 3, đạt 5.200 tỷ đồng, cao hơn cả Vietcombank (dự báo là 5.000 tỷ đồng). Ngoài ra, SSI cũng dự báo lợi nhuận của VPBank và MB sẽ vượt VietinBank.
Nguồn: