Phản ánh đến với phóng viên Báo Người Lao Động, anh Lê Anh (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết vừa nhận được thông báo phí phạt quá hạn thanh toán thẻ tín dụng, dù chỉ trễ hạn 1 ngày.
"Dư nợ trong kỳ tháng 8 của tôi khoảng 6,6 triệu đồng, hạn mức tín dụng thẻ 40 triệu đồng. Trễ hạn thanh toán 1 ngày, ngân hàng thông báo tôi bị tính phí đóng trễ hạn và tiền lãi cho cả tháng 8, mức phạt cao nhất là 2 triệu đồng. Mức phạt này là quá cao và không hợp lý. Lẽ ra khách hàng đóng chậm ngày nào thì phạt ngày đó, còn việc chậm 1 ngày mà phạt cả tháng là rất khó chấp nhận" – anh Lê Anh lập luận.
Thẻ tín dụng ngày càng được sử dụng phổ biến, nhưng chủ thẻ nên lưu ý thời gian thanh toán để tránh bị phí phạt. Ảnh: Lam Giang
Đại diện ngân hàng nơi phát hành thẻ tín dụng cho anh Lê Anh giải thích theo quy định biểu phí được niêm yết công khai trên website, ngân hàng áp dụng mức phí chậm thanh toán là 4%, tối thiểu 200.000 đồng và tối đa là 2 triệu đồng. Theo đó, phí chậm thanh toán của chủ thẻ tín dụng trên cho kỳ sao kê tháng 8 là 265.117 đồng.
Về cách tính lãi thẻ tín dụng, nếu khách hàng quá hạn thanh toán sẽ bị tính lãi suất cho các giao dịch mua sắm 2,83%/tháng. Theo đó, tiền lãi dự thu tính đến ngày 21-9 của anh Lê Anh là 347.564 đồng.
Theo một số chuyên gia tài chính, phí phạt trả chậm là một hình thức các ngân hàng áp dụng để hạn chế phát sinh nợ xấu ở mảng thẻ. Khách hàng cần lưu ý thanh toán đúng hạn để tránh phí phạt, lãi phát sinh.
Một trường hợp khác cũng gặp rắc rối khi xài thẻ tín dụng. Chị Mai Giang (ngụ quận 2, TP HCM) cho biết vừa tốn 500.000 đồng đóng phí thường niên và phí hủy 2 thẻ tín dụng, dù chưa sử dụng ngày nào. Kể về trường hợp của mình, chị Giang chia sẻ vài tháng trước chị có liên hệ một ngân hàng thương mại để vay mua nhà. Điều kiện để giải ngân vay mua nhà là phải mua bảo hiểm cháy nổ và mở thẻ tín dụng.
"Nhân viên tín dụng ngân hàng này mở cho tôi tới 2 thẻ tín dụng khác nhau, đã kích hoạt sẵn. Nhưng do tôi đang dùng thẻ tín dụng của ngân hàng khác nên không sử dụng mà chỉ cất trong ví. Đến khi ra chi nhánh ngân hàng để báo hủy, nhân viên giao dịch nói mỗi thẻ phải đóng phí thường niên 200.000 đồng và 100.000 đồng phí hủy 2 thẻ" - chị Giang bức xúc vì bị mất tiền oan.
Theo các chuyên gia, để tránh những rắc rối, phiền phức không đáng có khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng chỉ nên mở thẻ khi thật sự có nhu cầu, kiểm soát những giao dịch thanh toán hàng hoá, dịch vụ hằng ngày và chú ý thanh toán đúng hạn theo thông báo của ngân hàng để tránh rủi ro.
Theo Ngân hàng Nhà nước, số lượng thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, tính đến cuối tháng 7 năm 2020, toàn thị trường đã có 107,7 triệu thẻ, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái được lưu hành. Số lượng giao dịch thanh toán qua thẻ đạt gần 205,6 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 475.900 tỉ đồng(tăng tương ứng 29,7% và 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, an ninh, độ an toàn và tăng thêm tiện ích sử dụng thẻ, Ngân hàng Nhà nước đã và đang đôn đốc các đơn vị thực hiện đúng tiến độ kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam. Dự kiến đến cuối năm 2021, sẽ hoàn thành việc chuyển đổi sang thẻ chip đối với toàn bộ thẻ nội địa (ATM).
Nguồn: