Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.802,2 USD/ounce; vàng kỳ hạn cũng giảm 0,2% xuống 1.804,80 USD. Tính chung cả tuần, giá vàng đã giảm 0,7%.
Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm này đến từ việc đồng đô la giao dịch quanh mức cao nhất trong 3 tháng và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tiếp tục tăng từ đáy 5 tháng qua. Những lo ngại về biến thể Delta ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu đã khiến các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn từ đồng bạc xanh.
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Kitco News, mặc dù các nhà đầu tư bán lẻ phố Main vẫn khá lạc quan về giá vàng nhưng sự quan tâm đến kim loại quý này rõ ràng đang suy yếu.
Tuần này, tại phố Main, 315 trong tổng số 571 phiếu bầu (tương đương 55%) dự đoán giá vàng trong tuần cuối tháng 7 (26 – 30/7) sẽ đi lên, 146 phiếu bầu (tương đương 26%) dự đoán giá sẽ thấp hơn và 110 phiếu còn lại (tương đương 19%) giữ ý kiến trung lập.
Trong khi đó, 60% nhà phân tích Phố Wall tham gia khảo sát dự đoán giá vàng sẽ giảm vào tuần tới, 13% dự đoán dự đoán giá tăng và 27% cho rằng thị trường sẽ đi ngang.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã tái khẳng định cam kết duy trì chính sách tiền tệ siêu "lỏng lẻo" trong tương lai gần nhằm nỗ lực đưa lạm phát trở lại mức 2%.
Cam kết đẩy lạm phát lên cao hơn của ECB hoàn toàn trái ngược với dự định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi cơ quan này đang lên kế hoạch cắt giảm chương trình mua trái phiếu hàng tháng. Tuần tới, mọi con mắt đang dồn vào cuộc họp của Fed sau thông báo này.
Với việc giá vàng đã không thể phá vỡ mốc 1.800 USD/ounce ngay cả khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng Hai và giờ đây, khi lợi suất trái phiếu đã được đẩy cao hơn mức thấp nhất trong nhiều tháng vào hôm 20/7, một số nhà phân tích cho rằng vàng vẫn có thể giảm xuống dưới 1.800 USD/ounce.
Marc Chandler, giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex, cho biết: "Giá vàng sẽ thấp hơn vào tuần tới, lý do là bởi lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng".
Theo David Madden, nhà phân tích thị trường tại Equiti Capital, đồng đô la Mỹ có vẻ đang được định giá tương đối thấp trong môi trường hiện tại và khoảng cách chính sách tiền tệ ngày càng tăng giữa Cục Dự trữ Liên bang và ECB.
Madden nói thêm, vàng có thể tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới khi đối mặt với sức mạnh của đồng đô la. Ngoài ra, việc nền kinh tế Mỹ đang cải thiện, thúc đẩy thị trường chứng khoán trở lại mức cao kỷ lục cũng sẽ là một "cơn gió ngược" đối với vàng.
Nicholas Frappell, Tổng giám đốc toàn cầu của ABC Bullion, nhận thấy giá vàng bị mắc kẹt trong một phạm vi với rủi ro giảm giá trong thời gian tới do đà tăng của đồng đô la Mỹ. "Dưới mức 1.790 USD, thị trường sẽ dễ rơi vào hoảng loạn khi giá giảm sâu hơn một chút", Frappell nhận định.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals, nhận định thị trường đang tìm kiếm một động lực cơ bản mới và thực tế cho thấy không có một động lực nào, bởi lợi suất thực tế yếu hơn và sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 không đủ để đẩy giá lên cao hơn.
Trong khi đó, Rob Haworth, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Ngân hàng US Bank Wealth Management, lại cho rằng vàng tương đối mạnh bởi vàng vẫn đang tiếp tục giữ mức hỗ trợ trên 1.800 USD/ounce.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng sự phục hồi kinh tế ngày càng tăng ở Mỹ có nghĩa là lãi suất thực tế sẽ bắt đầu tăng cao hơn và điều này sẽ gây khó khăn cho vàng.
Ở thị trường trong nước, cùng chung xu hướng giảm theo giá vàng thế giới, vàng SJC tuần qua đóng cửa ở mức 56,8 triệu đồng/ lượng chiều mua vào và 57,45 triệu đồng/ lượng chiều bán ra; giảm khoảng 50.000 đồng so với đầu giờ sáng ngày 23/7 và cũng giảm mức tương đương so với cuối tuần trước. Biên độ chênh lệch giá mua - bán được thu hẹp về mức 650.000 đồng/lượng.
Với mức giá 1.802,2 USD/ounce cuối tuần, vàng thế giới quy đổi tương đương 50,79 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí), thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 6 triệu đồng/lượng.
Tham khảo: Kitco
Nguồn: