Cú bứt phá của một ngân hàng số có hơn 7 triệu người dùng

29/04/2024
Số lượng khách hàng cá nhân trên ứng dụng điện thoại di động của nhà băng này tăng gấp rưỡi chỉ trong vòng 1 năm.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, hoạt động chuyển đổi số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của hệ thống ngân hàng tăng trưởng rất mạnh trong năm 2021. Đến cuối tháng 11/2021 giao dịch thanh toán qua internet đã tăng 49,3% về số lượng và 31,34% về giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 74,64% và 86,58%, trong khi thanh toán qua QR Code cũng đã tăng 50,36% về số lượng và gần 131% về giá trị.

Nhiều nhà băng ghi nhận tăng trưởng trên kênh số trên 70% trong năm qua, đặc biệt là sự bứt phá mạnh của các "ông lớn" quốc doanh.

Điển hình tại BIDV, đến đầu năm 2022, số lượng khách hàng cá nhân sử dụng BIDV SmartBanking đạt hơn 7 triệu KH và số lượng khách hàng doanh nghiệp sử dụng BIDV iBank đạt hơn 82 nghìn KH, tăng 55% và 44% so với năm 2020. Với quy mô này, BIDV đang là một trong những ngân hàng có lượng người dùng nhiều nhất trên kênh số.

Tỷ trọng số lượng giao dịch qua các kênh số của BIDV đến 31/12/2021 đạt 67% trên tổng số lượng giao dịch toàn hàng, một kết quả hết sức ấn tượng với một ngân hàng quốc doanh, có quy mô lớn và mạng lưới trải dài toàn quốc như BIDV.

Cú bứt phá của một ngân hàng số có hơn 7 triệu người dùng - Ảnh 1.

Trên thực tế, kết quả này có được không phải chỉ trong ngày một ngày hai mà là những "quả ngọt" sau quá trình chuyển đổi số tích cực và mạnh mẽ những năm trở lại đây của BIDV. Hồi tháng 3/2019, BIDV đã ra mắt Trung tâm Ngân hàng số - sự kiện đánh dấu bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển và tầm nhìn đến năm 2030. Những năm gần đây, BIDV liên tục tung ra nhiều sản phẩm và ứng dụng công nghệ mới và được người dùng đón nhận.

Phiên bản BIDV SmartBanking thế hệ mới, ra mắt tháng 3/2021, trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến, đồng thời triển tính năng eKYC giúp khách hàng định danh nhanh chóng và bảo mật. BIDV cũng là ngân hàng đầu tiên hỗ trợ giao dịch ngân hàng trên Smartwatch và bàn phím thông minh (SmartKeyboard).

Về khách hàng doanh nghiệp, trong năm 2021, sản phẩm BIDV iBank đã được nâng cấp lên mô hình Omni Channel, là kênh dịch vụ liền mạch, giúp doanh nghiệp có thể quản lý dòng tiền dễ dàng, thực hiện điều chuyển vốn tự động để phù hợp với nhu cầu của đơn vị mình. Doanh nghiệp có thể quản lý tách bạch các khoản doanh thu qua hệ thống tài khoản định danh, thực hiện chuyển tiền trong nước 24/7, chuyển tiền quốc tế.

Không chỉ vậy, BIDV là ngân hàng đầu tiên xây dựng ứng dụng tập hợp các dự án bất động sản do BIDV tài trợ (BIDV Home) và hợp tác để hướng tới một sàn/siêu thị bất động sản, giúp khách hàng chủ động tìm kiếm dự án phù hợp, lại có thêm nhiều ưu đãi, thủ tục nhanh chóng. Đây là một định hướng chiến lược của BIDV nhằm xây dựng Marketplace, hay còn gọi là một chợ giao dịch tập trung, một công cụ tham chiếu kiểm chứng thông tin giúp khách hàng yên tâm giao dịch.

Đáng chú ý trong năm 2021, BIDV tiếp cận khuynh hướng là ngân hàng mở (openbank). Với sản phẩm ERP Connection, BIDV kết nối thành công với các đối tác lớn về hệ thống ERP và gần 40 khách hàng kết nối ERP riêng lẻ, cung cấp cho doanh nghiệp những dịch vụ của ngân hàng thông qua API. Kết quả rất khả quan bởi lượng giao dịch thông qua ngân hàng mở với các doanh nghiệp tăng đột biến trên 300%.

Sản phẩm thẻ được phát triển với những công nghệ hiện đại cùng với chương trình BIDV Membership Rewards xây dựng trên nền tảng công nghệ blockchain hỗ trợ KH theo dõi và đổi điểm cashback chỉ trong vòng 5 giây. Đây là điểm đột phá và tiên phong trên thị trường Việt Nam.

Cú bứt phá của một ngân hàng số có hơn 7 triệu người dùng - Ảnh 2.

Điểm đặc biệt so với các nhà băng khác, BIDV đang dẫn đầu về hệ sinh thái dịch vụ trên nền tảng số khi liên kết với nhiều nhà cung cấp lớn trong nước. Hiện ngân hàng đã kết nối với hầu hết các công ty fintech, 1.500 nhà cung cấp dịch vụ để đưa ra thị trường hơn 2.700 loại hình dịch vụ thanh toán, chi tiêu cho khách hàng.

Song song với những thay đổi mạnh mẽ về mặt công nghệ, BIDV cũng triển khai chính sách miễn toàn bộ phí trên kênh số để mang tới trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Từ tháng 1/2022, nhà băng này đã miễn phí chuyển tiền trên ngân hàng số BIDV SmartBanking; đồng thời miễn phí quản lý tài khoản mặc định, phí duy trì dịch vụ, phí tin nhắn OTT.

Với những nỗ lực trên, năm 2021, BIDV được vinh danh nhiều giải thưởng về chuyển đổi số, trong đó giải "Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc năm 2021" (Hiệp hội Truyền thông số Việt Nam) và "Ngân hàng số tốt nhất Việt Nam 2021" (Tạp chí The Global Finance),…

Cú bứt phá của một ngân hàng số có hơn 7 triệu người dùng - Ảnh 3.

Chuyển đổi số là cả một chặng đường dài chứ không chỉ là đích đến. BIDV đang đặt nhiều tham vọng cho công cuộc này thời gian sắp tới. Trong chiến lược phát triển kinh doanh kế hoạch đến năm 2025 và tầm nhìn 2030, BIDV xác định rõ chuyển đổi số là 1 trong 3 trụ cột chính trong chiến lược phát triển của mình. Đây được coi là tiền đề quan trọng để gặt hái thêm nhiều thành công trong năm 2022.

https://cafef.vn/cu-but-pha-cua-mot-ngan-hang-so-co-hon-7-trieu-nguoi-dung-20220309163338518.chn

Nguồn: