Cú luồn sâu của FE Credit trước mặt LienVietPostBank

25/11/2024
Tại VPBank và LienVietPostBank, một điểm chung mà riêng bắt đầu thể hiện từ năm 2019.

Hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam bắt đầu bước vào mùa báo cáo lợi nhuận quý III/2019. Một vài thành viên đã có cập nhật bước đầu, với kết quả khả quan.

Trong số các thành viên, kết quả kỳ này tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) trở nên đáng chú ý, với chờ đợi khả năng có tăng trưởng tốt nối tiếp hay không sau nhịp chậm đi trong năm 2018.

Theo kết quả kinh doanh quý II/2019 công bố gần đây, FE Credit - công ty tài chính tiêu dùng thuộc VPBank - cho thấy hướng trở lại quỹ đạo tăng trưởng, sau năm 2018 có dấu hiệu chật vật với nợ xấu và sức tạo lãi chùng xuống.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong chuyển động tại thành viên đang nắm trên 50% thị phần thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam là cú luồn sâu chân rết kinh doanh qua một hệ thống quen thuộc, trải rộng và ngay trước mặt LienVietPostBank.

Vì sao lại “liên quan” đến LienVietPostBank? Vì hệ thống trên đã và đang gắn chặt với một đặc điểm cơ cấu và hoạt động của ngân hàng này.

Năm 2011, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam mà nay là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) góp vốn và trở thành cổ đông lớn của LienVietPostBank cho đến nay. Qua đó, ngân hàng này có quyền, lợi thế và đặc điểm riêng trong hoạt động là khai thác hơn 10.000 điểm giao dịch bưu điện phủ khắp trên cả nước.

Nhưng, đó không phải là mối hợp tác độc quyền.

Từ đầu năm 2019, cái tên FE Credit cũng đã xuất hiện tại hệ thống của VNPost. Hai bên đã hợp tác để mở rộng giới thiệu dịch vụ cho vay tiêu dùng tới người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn thông qua mạng lưới hơn 10.000 bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã trên cả nước.

Với hợp tác này, FE Credit mở ra một cánh cửa để luồn sâu hoạt động kinh doanh đến nhiều địa bàn một cách có hệ thống và nền tảng, ở kênh mà LienVietPostBank đã và đang khai thác.

Theo giới thiệu của FE Credit, người dân có nhu cầu vay tiêu dùng có thể đến bưu cục ở gần nhà để được nhân viên bưu điện giới thiệu về các sản phẩm cho vay, các giải pháp tài chính của công ty này, với thủ tục, giấy tờ đơn giản… và thời gian xét duyệt nhanh chóng; giá trị khoản vay có thể lên đến 70 triệu tiền mặt.

Như trên, hợp tác giữa LienVietPostBank với VNPost trong khai thác tài nguyên hệ thống các bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã trên cả nước không phải độc quyền. Cụ thể như sự xuất hiện và hợp tác song song nói trên với FE Credit, thành viên của một ngân hàng thương mại khác.

Có thể hiểu sự hợp tác của FE Credit, LienVietPostBank qua kênh của VNPost theo dòng chảy “nước sông không phạm nước giếng”. Nhưng ở đây chắc chắn có sự giao thoa về khách hàng, và khách hàng cũng là điểm để giao thoa các sản phẩm dịch vụ…

Sự đan xen hoạt động kinh doanh đó làm nổi lên hai “trường phái quan điểm” có ở hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay: cho vay tiêu dùng tín chấp là trục cốt lõi với diện rộng; chỉ tập trung cho vay có tài sản bảo đảm, hạn chế cho vay tiêu dùng tín chấp (ngoại trừ qua thẻ tín dụng hoặc qua tài khoản lương đối với một số nhóm đối tượng chọn lọc). Ở đây cũng phản ánh khẩu vị rủi ro và lựa chọn của mỗi thành viên.

Nhưng, như trên, sự giao thoa về khách hàng, về sản phẩm dịch vụ với nhân tố mới là FE Credit sẽ ảnh hưởng thế nào đến tài nguyên của LienVietPostBank tại đây? Và nếu FE Credit khai thác và phát huy hiệu quả qua kênh cùng hệ sinh thái mới này, liệu LienVietPostBank có thay đổi quan điểm và khẩu vị rủi ro trong cho vay tiêu dùng khi đang ở cùng kênh và hệ sinh thái đó?

Trên thực tế, sau hơn 5 năm thiết lập (từ sau khi cởi bỏ trần lãi suất cho vay), tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đã trở thành một dòng chảy mạnh; “những con gà đẻ trứng vàng” xét về lợi nhuận đã được ghi nhận; nhiều ngân hàng thương mại đã và đang lên kế hoạch nhập cuộc… Ranh giới giữa hai “trường phái quan điểm” trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam theo đó có thể sẽ không còn quá rạch ròi trong tương lai?

Nguồn: