Ngay trong quý đầu tiên của năm 2020, thị phần của nhóm ngân hàng lớn "Big 4" (gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank) đã sụt giảm. Nguyên nhân không hẳn vì tác động của dịch Covid-19, mà chính hạn chế về yêu cầu đủ vốn của một số thành viên trong nhóm.
Thị phần "Big 4" bị co hẹp bởi thiếu vốn
Các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia.
Với tổng tài sản và dư nợ tín dụng chỉ của 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã chiếm trên dưới 50% toàn hệ thống ngân hàng, đây được coi là lực lượng tiên phong, đầu tàu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, đồng thời là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường và góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua nhóm này chưa được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ. Điều này khiến tốc độ tăng vốn điều lệ của nhóm luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản khiến tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng bị suy giảm, hiện thấp hơn nhiều so với mức bình quân của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước.
Theo tìm hiểu của BizLIVE, hệ số CAR của Agribank thời điểm 31/12/2019 là 9,2%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước.
Cập nhật đến 31/3/2020, CAR của ngân hàng cũng chỉ đạt 9,2%, sát ngưỡng tối thiểu theo quy định (9%) tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN.
Tuy nhiên, nếu tính theo chuẩn mực vốn Basel II (Thông tư 41/2016/TT-NHNN), thì CAR của ngân hàng này thời điểm 31/12/2019 chỉ đạt 7,3%; thời điểm 31/3/2020 chỉ đạt 6,9%, cách xa so với yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định.
Với VietinBank, hệ số CAR vào cuối năm 2019 tính theo Thông tư 36 chỉ ở mức 9,25%. Và nếu tính theo Thông tư 41, con số này sẽ bị giảm đi rất nhiều.
Đối với Vietcombank và BIDV, nỗ lực tăng vốn điều lệ thông qua phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư và phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 trong thời gian qua cũng không thể hoàn thành theo kế hoạch.
Trong đó, Vietcombank chỉ phát hành thành công 3% vốn cổ phần (theo kế hoạch là 10%) do thị giá cổ phiếu tăng cao, không hấp dẫn nhà đầu tư.
Còn BIDV đến hết năm 2019 mới hoàn thành phát hành thêm 15% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài KEB Hana, theo đó vốn điều lệ tăng thêm 6.033 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dù vừa phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, vừa phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2, BIDV vẫn thiếu hụt một lượng vốn ước lớn cần cho tăng trưởng riêng năm nay.
Không tăng đủ vốn, các ngân hàng dự kiến sẽ phải dừng tăng trưởng tín dụng, thậm chí là giảm dư nợ cho vay để đảm bảo an toàn trong hoạt động theo quy định.
Theo tìm hiểu, trong năm nay, nếu không tăng được vốn, VietinBank sẽ phải giảm mạnh dư nợ tín dụng, dự kiến giảm 90 nghìn tỷ đồng, trong khi nhu cầu tín dụng hiện nay đang rất lớn, nhiều dự án Vietinbank sẽ phải cân nhắc thận trọng hơn trong tiếp tục giải ngân.
Đối với Agribank, nếu không được cấp bổ sung vốn điều lệ thì ngay đầu năm 2020, ngân hàng cũng có thể phải giảm mạnh dư nợ tín dụng, không thể đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp nông thôn.
Tín dụng giảm, tổng tài sản của nhà băng theo đó cũng bị giảm theo. Điều này cũng đã được phản ánh trên BCTC mới nhất của 4 “ông lớn”.
Cơ hội trỗi dậy cho ngân hàng tư nhân
Như trên, tăng trưởng tín dụng giảm tốc cũng đồng nghĩa với việc thị phần của nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước có nguy cơ bị thu hẹp lại. Thực tế, ngày trong quý I/2020, hai thành viên có thị phần hàng đầu toàn hệ thống về tổng tài sản và tín dụng là VietinBank, Agribank đã sụt giảm.
Về tổng thể, tín dụng những tháng đầu năm nay tăng rất chậm một phần chính cũng do lực đẩy hạn chế và suy giảm ở những thành viên trong nhóm "Big 4".
Trong bối cảnh đó, cơ hội chiếm “miếng bánh” thị phần to hơn lại mở ra đối với nhóm ngân hàng tư nhân đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn.
Hiện, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã có quy mô vốn điều lệ xấp xỉ hoặc thậm chí vượt các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước.
Techcombank là một ví dụ. Tính đến cuối năm 2019, vốn điều lệ của ngân hàng đạt 35 nghìn tỷ đồng, cao hơn cả Agribank (gần 30,5 nghìn tỷ đồng) và đứng thứ 4 hệ thống.
Tương tự, VPBank và MB cũng đang trong cuộc chạy đua gay cấn khi vốn điều lệ đạt lần lượt 25,3 nghìn tỷ và 23,7 nghìn tỷ đồng.
Tốc độ tăng vốn điều lệ song hành cùng tốc độ tăng tổng tài sản đã giúp CAR của nhiều ngân hàng duy trì ở mức cao khi áp dụng Thông tư 41, như Techcombank (15,5%) VPBank (11,1%), ACB là 10,9%, MSB là 10,25%… Và họ đều đã tính theo Basel II.
Khi tỷ lệ an toàn vốn được đảm bảo, ngân hàng sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với bình quân ngành, cơ hội mở rộng thị phần từ đó cũng mở ra.
Nguồn: