Cuộc chiến "sống còn" của doanh nghiệp ví điện tử

23/12/2024
Các đơn vị cung cấp ví điện tử đang nằm trong cuộc cạnh tranh khốc liệt và cũng được coi là một sân chơi tiêu hao tài chính đáng kể.

Theo số liệu từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), tính đến cuối tháng 5/2021, tại Việt Nam có 43 tổ chức không phải ngân hàng đã được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 40 tổ chức trung gian thanh toán có hoạt động cung ứng dịch vụ ví điện tử (công ty ví điện tử) với tổng số tài khoản ví điện tử đang hoạt động là khoảng 14,59 triệu, tăng khoảng 0,94 triệu ví so với thời điểm cuối năm 2020.

Cuộc chiến sống còn của doanh nghiệp ví điện tử - Ảnh 1.

Ví điện tử đang ngày càng trở thành một hình thức thanh toán quen thuộc của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ (ảnh: Internet)

Số liệu này cho thấy, vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển trong lĩnh vực thanh toán trong nước có tính cạnh tranh cao với ngày càng nhiều công ty tham gia đầu tư, khi ví điện tử đang ngày càng trở thành một hình thức thanh toán quen thuộc của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Đây là một loại tài khoản điện tử dùng để thanh toán các giao dịch trực tuyến, giúp người dùng thanh toán các loại phí trên Internet như hóa đơn tiền điện, tiền nước, cước Internet, cước truyền hình cáp, mua vé máy bay, thanh toán vay tiêu dùng, chuyển tiền, mua sắm online,...

Trong số các nhà cung cấp dịch vụ được cấp phép, có không ít công ty cung cấp ví điện tử được hậu thuẫn đầu tư, "bảo trợ" bởi các tập đoàn Nhà nước như ViettelPay thuộc tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel, ECPay thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), VNPT EPAY và VNPT Pay thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)...

Tuy nhiên, về mức độ nhận diện và phủ sóng thị trường, thông tin của Appota đánh giá, trong số các ví điện tử tại Việt Nam, hiện có Momo, ViettelPay và ZaloPay đang là 3 ví điện tử có đông người sử dụng nhất. So sánh lượt tải giữa ba thương hiệu ví điện tử, Momo giữ vị trí là ví điện tử được tải nhiều nhất, trong đó đỉnh điểm là tháng 2 và tháng 3 khi lần lượt đạt 992.000 và 839.000 lượt tải.

Còn ViettelPay và ZaloPay đang có sự cạnh tranh gay gắt về số lượt tải. Nếu như năm 2020 là sự vượt trội của ViettelPay thì đến tháng 2/2021, nhờ sự bứt phá mạnh, ZaloPay đã chính thức vượt qua ví điện tử đến từ Viettel.

Riêng VNPT Pay trở thành 1 trong 4 đơn vị được lựa chọn cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử trên hệ thống Cổng Dịch vụ Công Quốc gia. Theo đó, người dân có thể thanh toán phí, lệ phí của các dịch vụ công trực tuyến (như tiền điện, lệ phí nộp hồ sơ,…) bằng ví điện tử VNPT Pay và cổng thanh toán (thẻ, tài khoản ngân hàng nội địa, thẻ quốc tế của tất cả các ngân hàng). Đồng thời, VNPT Pay sẽ được tích hợp trong hệ thống thanh toán điện tử của các cơ sở giáo dục, y tế, hành chính công của các tỉnh thành mà VNPT đã ký kết hợp tác chiến lược.

Thách thức trong tương lai

CEO của Appota nhận định, một trong những khó khăn hiện nay trong việc "phổ cập" thanh toán không dùng tiền mặt là việc thanh toán trực tuyến tại Việt Nam vẫn đang chỉ tập trung ở các thành phố lớn, do ở nông thôn và vùng sâu vùng xa vẫn còn có nhiều người chưa có thẻ ngân hàng và các điểm hỗ trợ thanh toán trực tuyến còn rất ít hoặc hầu như không có. Chưa kể đến, thói quen chi tiêu tiền mặt ở đại bộ phân người dân nông thôn vẫn còn rất cao.

Cuộc chiến sống còn của doanh nghiệp ví điện tử - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Thanh Bình

Chính vì vậy, các đơn vị cung cấp ví điện tử đang nằm trong cuộc cạnh tranh khốc liệt và cũng được coi là một sân chơi tiêu hao tài chính đáng kể. TS. Nguyễn Thanh Bình, Quyền chủ nhiệm cấp cao bộ môn Tài chính, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT cho rằng, để bứt phá khỏi cuộc chạy đua tiêu hao tài chính, ví điện tử cần cân bằng việc tăng trưởng quy mô người dùng với triển khai mô hình kinh doanh bền vững. Họ cần phát triển hệ sinh thái đem lại giá trị gia tăng lớn hơn, có khả năng thu hút và khiến người dùng sẵn sàng trả tiền cho các dịch vụ sử dụng.

Với sự cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay của các ví điện tử trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, các ví điện tử khó có thể tăng phí giao dịch thanh toán cùng lúc với việc mở rộng quy mô người dùng. Thay vì tập trung vào tính phí để có lời, doanh nghiệp ví điện tử có thể chuyển đổi thành các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và cung cấp hàng loạt dịch vụ tài chính như cho vay, quản lý tài sản và bảo hiểm, tương tự như cách Alipay và Ant Group đã và đang làm ở Trung Quốc”, TS. Nguyễn Thanh Bình phân tích.

Còn theo TS. Phạm Nguyễn Anh Huy, giảng viên ngành Tài chính, ĐH. RMIT, một trong những vấn đề lớn nhất với ví điện tử là chưa cho khách hàng thấy được lợi thế rõ ràng về lâu dài so với ngân hàng truyền thống. Hầu hết các dịch vụ mà ví điện tử cung cấp như chuyển tiền nhanh, thanh toán hóa đơn điện nước, hay thanh toán hàng hoá trực tuyến hiện đã có mặt trong ứng dụng di động của các ngân hàng truyền thống. Ứng dụng số của các ngân hàng có thể chậm bước hơn ví điện tử ở một số dịch vụ khác, nhưng vấn đề này có thể giải quyết dễ dàng qua mua bán và sáp nhập. “Theo tôi, ví điện tử cần quay trở lại với ý tưởng ban đầu là thay thế ví truyền thống - một chiếc ví không chỉ dùng để thanh toán và đựng các loại thẻ ngân hàng mà còn để lưu trữ những thứ khác như thẻ khách hàng thân thiết, thẻ thành viên và danh thiếp”.

Cuộc chiến sống còn của doanh nghiệp ví điện tử - Ảnh 3.

TS. Phạm Nguyễn Anh Huy

Bên cạnh những mặt tích cực mà thị trường thanh toán không tiền mặt thông qua các ví điện tử, có những vấn đề cần thận trọng, đặt ra quan ngại lớn đối với cơ quan quản lý, đặc biệt là những nguy cơ thao túng thị trường vào tay doanh nghiệp nước ngoài, đi cùng đó là các dữ liệu quan trọng về dân cư và an ninh quốc gia. Đặc biệt là bắt nguồn từ năng lực của các doanh nghiệp nội và làn sóng thâu tóm thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam những năm qua.

Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, những ông lớn rót tiền thâu tóm các doanh nghiệp ví điện tử Việt Nam cũng là những nhà đầu tư lớn đang chiếm thị phần tại các sàn thương mại điện tử. Theo thống kê, có tới 3/4 sàn thương mại điện tử top đầu tại Việt Nam đang “được” nâng đỡ bởi các đại gia Trung Quốc như Alibaba, JD hay Tencent. Như vậy, cả hai “ông trùm” thanh toán điện tử lớn nhất Trung Quốc là Alibaba và Tencent đều đã có mặt và chiếm thị phần lớn tại Việt Nam trong cả hai lĩnh vực thanh toán điện tử và giao thương điện tử.

Điều đáng lo ngại hơn là thông qua các sàn thương mại điện tử, thực hiện các giao dịch mua bán, thanh toán điện tử, biến thị trường ví điện tử trở thành sân chơi riêng của các doanh nghiệp, hàng hóa Trung Quốc cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.

Chưa nói tới các hoạt động lợi dụng sàn thương mại điện tử, thanh toán điện tử thực hiện việc đẩy hàng hóa của doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí hạn chế hàng hóa Việt Nam hay thực hiện các hoạt động rửa tiền khác, rất khó có thể kiểm soát được", vị PGS phân tích.

Chính vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự nhìn nhận thực tế và giải pháp quản lý kịp thời. Về vấn đề này, Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý từ các bên liên quan, nắm bắt thực tiễn, tổng hợp khó khăn, vướng mắc từ thị trường và nghiên cứu các xu hướng phát triển, thông lệ quốc tế phù hợp về hoạt động ví điện tử để hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi, an toàn, lành mạnh cho hoạt động trung gian thanh toán nói chung và hoạt động cung ứng ví điện tử nói riêng tại Việt Nam.

Nguồn: