Ngân hàng nhỏ, ưu đãi to
Gần đây, nhiều ngân hàng nhỏ đã tham gia vào thị trường thẻ tín dụng và liên tục cho ra mắt nhiều tính năng nổi bật, cùng những ưu đãi vượt trội nhằm cạnh tranh giành thị phần tại phân khúc màu mỡ này.
Đặc biệt, “cuộc chiến” giảm phí thẻ tín dụng đến hồi gay cấn. Vì hiện nay, điều mà khách hàng quan tâm khi xài thẻ tín dụng trước tiên đó là phí thường niên, thứ hai là mức lãi suất và thứ 3 là hạn mức được chi tiêu. Vì khoản phí phát hành thẻ hiện đang được hầu hết ngân hàng miễn phí cho khách hàng.
Đối với loại phí thường niên, nhiều ngân hàng đang miễn phí năm đầu cho khách hàng. Tuy nhiên, từ năm thứ 2 trở đi có ngân hàng tính phí, có ngân hàng miễn phí nếu khách hàng có giao dịch phát sinh.
Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) chỉ miễn phí thường niên năm thứ 2 đối với chủ thẻ VIB Financial Free nếu phát sinh ít nhất 01 giao dịch/tháng trong năm liền trước. Hay Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) miễn phí thường niên năm đầu cho chủ thẻ nếu phát sinh ít nhất 01 giao dịch trong 30 ngày đầu tiên sau khi mở thẻ; miễn phí thường niên năm tiếp theo nếu tổng giao dịch thanh toán bằng thẻ năm trước đạt từ 12 triệu đồng đối với thẻ tín dụng Number 1...
Đối với một số ngân hàng nhỏ mới ra mắt thẻ tín dụng như Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) năm 2018 cũng đang thu hút khách hàng với ưu đãi miễn phí thường niên, nhưng chỉ dành cho năm đầu tiên, từ năm thứ 2 trở đi khách hàng phải đóng phí cho hạng thẻ Platinum 700.000 đồng (đối với thẻ Visa) hoặc đóng 399.000 đồng (đối với thẻ JCB). Để được miễn phí năm tiếp theo, khách hàng phải có tổng giao dịch tài chính năm đầu tiên đạt ít nhất 80 triệu đồng.
Cuộc cạnh tranh về phí đang là “át chủ bài” để lôi kéo khách hàng khi các điều kiện ưu đãi đều được các ngân hàng áp dụng gần giống nhau và tuỳ theo hạng thẻ. Do đó, mới đây, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Bản Việt), một ngân hàng nhỏ, quyết định cạnh tranh mạnh mẽ với các ngân hàng lớn, đi trước về thẻ tín dụng bằng cách đột phá ưu đãi cho khách hàng mở thẻ tín dụng tại ngân hàng này bằng miễn phí thường niên trọn đời.
Theo ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Bản Việt, việc cho ra mắt cùng lúc bộ 3 thẻ tín dụng quốc tế JCB Bản Việt: Standard, Gold và Platinum, ngân hàng cũng đưa mức thời gian trả nợ kéo dài đến 55 ngày… Với những ưu đãi này, Bản Việt mong muốn vượt lên những con số về thẻ đã hoàn thành trong 9 tháng đầu năm, như: số lượng thẻ mở mới tăng xấp xỉ 5,6 lần, thu nhập từ hoạt động thẻ tăng 150% so với cùng kỳ 2018.
Sân chơi không còn độc diễn của “ông lớn”
Lâu nay, người xài thẻ tín dụng hay tín nhiệm những loại thẻ của những ngân hàng nước ngoài hay "ông lớn" trong nước, được thể hiện như một đẳng cấp, như: Citi, ANZ, HSBC, Vietcombank, BIDV… Tuy nhiên, “dòng chảy thẻ” đang có những thay đổi không ngừng khi miếng bánh thị trường đang bị chia sẻ cho các ngân hàng nhỏ hơn với chiến lược về phí và ưu đãi thượng hạng không kém.
Các hạn mức khủng của nhiều ngân hàng lớn đưa ra phổ biến là 1 - 2 tỷ đồng đối với hạng thẻ bạch kim, chẳng hạn: tại HSBC, Eximbank, Sacombank, Vietcombank… Riêng hạn mức tới 10 tỷ đồng đang là độc quyền của Eximbank với hạng thẻ tín dụng quốc tế Eximbank One World MasterCard.
Dù không có hạn mức khủng, nhưng thẻ hạng sang của ngân hàng nhỏ cũng được hưởng rất nhiều ưu đãi thượng hạng không kém dịch vụ của ngân hàng lớn, như: như chơi golf đẳng cấp, sử dụng phòng chờ thương gia, được ưu đãi 01 năm/lần nghỉ mát miễn phí ở những nơi sang trọng, bảo hiểm toàn cầu lên tới 20 tỷ đồng…
Tuy nhiên, một khách hàng có thẻ tín dụng hạng VIP cho biết, với hạn mức 01 tỷ đồng, những chủ thẻ này lại là những người có công việc rất bận rộn, việc dành thời gian để xài những dịch vụ ưu đãi hạng sang miễn phí của ngân hàng rất hiếm (vì phải chính chủ). Do đó, ngân hàng cứ ưu đãi thôi, còn sử dụng dịch vụ được bao nhiêu là tuỳ khách hàng.
Bên cạnh nhiều ưu đãi với chủ thẻ tín dụng như vậy, câu chuyện lãi suất thẻ tín dụng dường như “mờ đi” khi ưu đãi thời gian miễn lãi đang tăng lên 55 ngày. Nếu chủ thẻ tín dụng cứ duy trì trả hết khoản tiền đã ứng trước từ thẻ tín dụng thì mức lãi suất bằng 0, cộng với việc miễn phí loại phí thường niên trọn đời, khách hàng coi như xài tiền, xài thẻ không tốn xu nào. Đây quả là sự cạnh tranh quyết liệt vì khách hàng.
Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s, trong một báo cáo khảo sát hoạt động thanh toán thẻ tại 70 quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, đã có nhận định "việc sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn trong giai đoạn này đã làm tăng 0,1% GDP trên toàn cầu, đóng góp khoảng 74 tỷ đô la vào GDP mỗi năm. Tại Việt Nam, thanh toán thẻ đã đóng góp khoảng 0,14% vào GDP, đồng thời tạo ra xấp xỷ 75.000 việc làm cho nền kinh tế trong giai đoạn 2011 – 2015 (cao hơn mức trung bình của thế giới).
Theo Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 2017, ở các quốc gia như: Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, số lượng thẻ tín dụng phát hành tăng trưởng với tốc độ 1 chữ số; chỉ có 02 quốc gia trong khu vực có tốc độ tăng trưởng 2 chữ số là Singapore (48%) và Malaysia (21%). Tỷ lệ thẻ tín dụng bình quân đầu người ở các nước phát triển như Nhật Bản và Anh là hơn 60%, Mỹ là 70%, trong khi Trung Quốc mới chỉ 25%... Thị trường thẻ tín dụng ở các nước Châu Á còn rất tiềm năng khi năm 2020 sẽ kỷ niệm 70 năm tấm thẻ nhựa tín dụng đầu tiên trên thế giới được phát hành. Việc kích hoạt thị trường này phụ thuộc vào các ngân hàng.
Một khảo sát gần đây của BizLIVE với hơn 3.000 độc giả tham gia bình chọn về thẻ tín dụng cho thấy: 33% đang dùng thẻ tín dụng; 11% đã từng dùng và phải bỏ vì lãi và phí cao; 22% không có ý định dùng thẻ tín dụng; 34% đang tìm hiểu để dùng thẻ tín dụng.
Nguồn: