Đã có 60 ngân hàng trung ương với 113 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2019

28/11/2024
Giảm lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa là xu hướng mở rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới trong năm 2019.

Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới - WB, kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 2,5% năm 2019 (giảm từ mức 2,8% năm 2018), và dự báo tăng khoảng 2,6% năm 2020.

Lo ngại tăng trưởng kinh tế thấp hơn cũng là nguyên nhân khiến chính phủ, ngân hàng trung ương và bộ tài chính các nước thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng để vực dậy tăng trưởng trong năm 2019.

Theo thống kê của khối nghiên cứu tại BIDV, tính đến hết quý III/2019, đã có 60 ngân hàng trung ương các nước cắt giảm lãi suất 113 lần trên toàn cầu, gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed, Ngân hàng Trung ương Châu Âu - ECB và một số ngân hàng trung ương các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga…; và một số nước giảm thuế, tung các gói kích thích kinh tế.

Với Việt Nam, xu hướng suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đáng kế đến kinh tế trong nước, do Việt Nam là nước có độ mở lớn trên thế giới (tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 ước tính tương đương 200% GDP). Do đó, hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ chịu rủi ro nhất định dưới tác động kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.

Theo đó, không nằm ngoài xu hướng, trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố giảm một loạt các loại lãi suất điều hành.

Cụ thể, ngày 16/9, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định giảm 0,25 điểm phần trăm đối với một loạt lãi suất điều hành, bao gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hang và lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO).

Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành kể từ tháng 10/2017.

Hai tháng sau, ngày 19/11, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát đi thông báo về việc ban hành 2 quyết định về việc điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND và lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế, cũng như giảm thêm lãi suất OMO.

Cùng đó, kể từ trung tuần tháng 7 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có tới 3 lần điều chỉnh lãi suất tín phiếu, theo mức giảm dần từ 3% xuống chỉ còn 2,25%/năm.

Nguồn: