Theo cập nhật từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về kết quả giao dịch trái phiếu Chính phủ (TPCP) được tổ chức tại HNX trong tháng 02/2022, sau 12 đợt đấu thầu, huy động TPCP có tổng giá trị gọi thầu (GTGT) đạt 20.000 tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu trong tháng chỉ đạt 46,9%.
Trong đó, kỳ hạn 10 năm và kỳ hạn 15 năm có khối lượng gọi thầu cao nhất (lần lượt là 8.000 và 6.000 tỷ đồng), tỷ lệ trúng thầu đạt 43,9% (đối với kỳ hạn 10 năm) và 50% (đối với kỳ hạn 15 năm). Trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 7 năm gọi thầu không thành công.
Về lãi suất, lãi suất trúng thầu trung bình trong tháng ở kỳ hạn 10 năm tăng 3 điểm %, kỳ hạn 15 năm giảm 4 điểm, kỳ hạn 20 năm không đổi và kỳ hạn 30 năm tăng 3 điểm so với tháng trước.
Khối lượng phát TPCP giai đoạn 2017- 2T2022. Nguồn VBMA
MỚI HOÀN THÀNH HƠN 30% KẾ HOẠCH QUÝ 1
Tính đến hết tháng 2/2022, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã phát hành tổng cộng 32.462 tỷ đồng TPCP trong năm, tương ứng 8% kế hoạch năm 2022 (400.000 tỷ đồng).
Cụ thể, tổng giá trị phát hành của kỳ hạn 10 năm là 14.142 tỷ đồng (đạt 10% kế hoạch năm), 15 năm là 9.950 tỷ đồng (đạt 7% kế hoạch năm), 20 năm là 1,685 tỷ đồng (đạt 6% kế hoạch năm) và 30 năm là 6.685 tỷ đồng (đạt 19% kế hoạch năm). Trong đó, trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 7 năm gọi thầu không thành công.
So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm giảm 1.800 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm tăng 3.792 tỷ đồng, 15 năm tăng 369 tỷ đồng, 20 năm giảm 395 tỷ đồng, 30 năm tăng 3.485 tỷ đồng; trong khi trái phiếu kỳ hạn 7 năm không được gọi thầu thành công.
Theo Bộ Tài chính, năm 2021, KBNN đã huy động được 318.213 tỷ đồng TPCP, bằng 98,21% kế hoạch đã điều chỉnh (324.000 tỷ đồng).
Như vậy, với kế hoạch phát hành 105.000 tỷ đồng TPCP trong quý 1 để huy động vốn cho ngân sách trung ương năm 2022, 2/3 thời gian, việc phát hành TPCP mới hoàn thành được gần 31% kế hoạch của quý. Tương ứng, còn hơn 72.500 tỷ đồng kế hoạch dồn lại trong tháng 3 này.
Diễn biến thị trường TPCP các quý giai đoạn 2019-2021. Nguồn VBMA |
Đáng chú ý, theo diễn biến mới nhất, ngày 9/3, phiên gọi thầu 6.000 tỷ đồng TPCP của KBNN đã thất bại khi vùng lãi suất đặt thầu thấp nhất – cao nhất đồng loạt tăng so với phiên trước đó, với mức tăng phổ biến từ 10 – 30 điểm.
Trong phiên này, các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 20 năm lần lượt là 1.000 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng.
Ở diễn khác, trong tháng 3/2022, sẽ có khoảng 5.750 tỷ đồng trái phiếu đến hạn, tương đương khoảng 11,3% giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn cả năm.
Theo phân tích của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VMBA), lợi suất TPCP Việt Nam đã tăng khá nhiều trong tháng qua nhưng vẫn đang ở mức tương đối thấp trong khu vực ASEAN, đạt mức 2,24% ở kỳ hạn 10 năm, thấp hơn 3,1% so với Indonesia, 1,05% so với Malaysia và cao hơn 0,05% so với Thái Lan.
Trong khi đó, khoảng cách giữa lợi suất TPCP Việt Nam và Mỹ có xu hướng thu hẹp dần ở hầu hết các kỳ hạn, riêng chênh lệch kỳ hạn 10 năm tăng khoảng 10 điểm.
Theo S&P, Fitch và Moody’s, hiện Mỹ đang có mức tín nhiệm lần lượt là AA+, AAA và Aaa trong khi mức tín nhiệm của Việt Nam theo 3 tổ chức trên là BB, BB và Ba3.
Nguồn: