Đã vay ưu đãi có còn được ngân hàng giảm lãi suất vì ảnh hưởng của conora?

26/11/2024
Một số ngân hàng quyết định giảm lãi suất từ 0,5% đến 3%/năm cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh...

Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona đang lan rộng ở khắp thế giới. Tính đến sáng ngày 11/2 đã có hơn 1.000 trường hợp tử vong, hơn 42.600 người bị nhiễm song cũng có trên 4.000 ca được chữa trị. 

Tại Việt Nam đến nay cũng đã ghi nhận 15 trường hợp dương tính với nCoV. Cả nước đang chung tay vào cuộc đẩy lùi virus corona.

Hoạt động của các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề như dịch vụ, giải trí, nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, nhất là các doanh nghiệp có quan hệ thương mại nhiều với Trung Quốc, được cho là các đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì dịch bệnh.

Ngay ngày 6/2, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp với 21 ngân hàng thương mại trong hệ thống và yêu cầu triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Một trong các giải pháp được cơ quan quản lý đưa ra là các ngân hàng xem xét cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi suất và yêu cầu không được tăng lãi suất đối với các khách hàng bị ảnh hưởng, đồng thời tiếp tục duy trì hoạt động cho vay ưu đãi với các lĩnh vực ưu tiên.

Trước đó ngày 4/2 cơ quan này cũng đã có công văn gửi tới toàn hệ thống về việc xem xét cẩn trọng những tác động của dịch bệnh và hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Sau "hiệu lệnh" của NHNN, các ngân hàng đã đồng loạt đưa ra các giải pháp để hỗ trợ cho các khách hàng.

Theo đó VPBank quyết giảm lãi suất cho vay tới 1,5% mỗi năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và giảm 1% một năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm. Nhóm doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuộc các lĩnh vực vận tải, kho bãi; lưu trú, tour du lịch, nhà hàng - ăn uống; đại lý du lịch; các dịch vụ đặt chỗ (đặc biệt tại các tỉnh về du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang). VPBank ước tính có khoảng 1.000 khách hàng cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Kienlongbank thì quyết định giảm lãi suất cho vay tới 3%/năm đối với các khách hàng hiện hữu có mục đích vay để trồng các loại trái cây: Thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối, thời gian áp dụng giảm lãi suất từ ngày 01/02/2020 đến 30/4/2020. Trong thời gian này, Kienlongbank cũng sẽ hỗ trợ khách hàng giảm lãi vay, miễn tiền phạt quá hạn nhằm giúp khách hàng có điều kiện khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Vietcombank cũng thông báo giảm lãi suất từ 0,5% - 1,5% cho các khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực vận tải kho bãi; du lịch, nhà hàng, khách sạn; thực phẩm và đồ uống có cồn; Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc (thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày…).

Cụ thể khách hàng hiện hữu vay VNĐ ngắn hạn sẽ được giảm lãi 1%, vay trung và dài hạn được giảm 1,5% lãi suất; Khách hàng vay USD được giảm 0,5% với các khoản vay ngắn hạn và 0,75% với khoản vay dài hạn. Khách hàng vay mới được giảm tối đa 1%/năm với các khoản vay bằng USD và 0,5% với khoản vay bằng USD. Vietcombank ước tính có khoảng 300 khách hàng là tổ chức bị thiệt hại, chưa bao gồm các khách hàng cá nhân, với tổng dư nợ khoảng 30.000 tỷ đồng.

Ngoài ra một số ngân hàng cũng tranh thủ triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp để doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn trong giai đoạn hiện nay như ABBank có gói 4.000 tỷ, Eximbank cũng có gói 4.000 tỷ lãi suất từ 6,99% và sắp bổ sung thêm 3.000 tỷ với lãi suất 5,5%/năm cho các khách hàng lớn.

Việc giảm lãi suất và đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng chắc chắn sẽ làm giảm lợi nhuận của không ít các ngân hàng, chẳng hạn với quy mô của Vietcombank có thể làm giảm 300 - 450 tỷ đồng lợi nhuận, của VPBank cũng có thể làm giảm cả trăm tỷ, ở các ngân hàng khác cũng quy mô đến vài chục tỷ đồng. Tuy nhiên theo các ngân hàng, lúc này ngân hàng không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, mà quan trọng là chung tay đẩy lùi dịch bệnh và hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất. Khi doanh nghiệp vượt qua khó khăn cũng là chính là giúp ngược lại ngân hàng - duy trì được khách hàng và giảm thiểu nợ xấu.

Liên quan đến việc ưu đãi lãi suất của các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi nCoV hiện nay, câu hỏi đặt ra là vậy liệu các doanh nghiệp đã được vay ưu đãi trước đó trong gói tín dụng dành cho 5 lĩnh vực ưu tiên thì có tiếp tục được giảm lãi suất nữa hay không. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết các doanh nghiệp đã vay ưu tiên trước đó sẽ không được áp dụng việc giảm lãi suất lần này nữa. Đại diện các ngân hàng khác cũng cho biết sẽ không áp dụng song song 2 chương trình ưu đãi lãi suất.

Theo quy định của NHNN, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức tối đa 6%/năm.

Đã vay ưu đãi có còn được ngân hàng giảm lãi suất vì ảnh hưởng của conora? - Ảnh 2.

Nguồn: