Đại diện VKS nói gì về hậu quả do thuộc cấp ông Trầm Bê gây ra?

26/12/2024
Đại diện cơ quan công tố khẳng định nếu những bị cáo (từng là cấp dưới của Trầm Bê) làm đúng quy trình, đủ thủ tục thì bị cáo Dương Thanh Cường không thể lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng

Chiều 29-7, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, xảy ra ở Ngân hàng TMCP Phương Nam (sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank - từ năm 2015), kết thúc ở phần tranh luận.

Tại tòa, đại diện cơ quan công tố đề nghị tòa án cùng cấp xử phạt bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Nam) từ 6-7 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"; bị cáo Dương Thanh Cường từ 18-20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đồng thời, đại diện VKS đưa ra khung hình phạt từ 3-6 năm tù đối với 8 bị cáo từng là cấp dưới của Trầm Bê. Theo cáo buộc, những bị cáo trên thế chấp, nhận thế chấp 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) sai quy định. Hậu quả, Ngân hàng Phương Nam thiệt hại 505 tỉ đồng.

 Đại diện VKS nói gì về hậu quả do thuộc cấp ông Trầm Bê gây ra?  - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên tòa chiều 29-7

Đối đáp với luật sư, đại diện VKSND TP HCM nhận định hầu hết nội dung luật sư tranh luận đều xoay quanh số tiền thiệt hại trong vụ án; giá trị khu đất có diện tích 10,5 ha trong 23 GCNQSDĐ mà bị cáo Cường thế chấp cùng lúc ở hai ngân hàng.

Về khoản tiền thiệt hại, đại diện VKS khẳng định cơ quan chức năng có giám định tài liệu, hồ sơ, tài sản thế chấp và lấy đó làm căn cứ tính toán thiệt hại (505 tỉ đồng). Kết quả giám định là nguồn chứng cứ hợp pháp trong vụ án. Vì thế, những lập luận và cách tính toán thiệt hại khác do luật sư hay bị cáo đưa ra không thuyết phục. Bên cạnh đó, đại diện cơ quan công tố khẳng định lại 23 GCNQSDĐ không có giá trị pháp lý khi thế chấp.

"Nếu những giấy tờ đó đủ điều kiện thế chấp thì vụ án không xảy ra. Nếu những bị cáo là cán bộ, nhân viên ngân hàng làm đúng quy trình, đủ thủ tục thì bị cáo Cường không thể lừa đảo ngân hàng. Như vậy, những bị cáo này cần chịu trách nhiệm hình sự do sai phạm họ gây ra" - đại diện VKS nhấn mạnh. Về phương án giải quyết tài sản, người thừa hành quyền công tố đề nghị HĐXX tiếp tục kê biên 23 GCNQSDĐ cùng các hợp đồng chuyển nhượng nhằm đảm bảo nghĩa vụ bồi thường mà bị cáo Cường chịu trách nhiệm ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Đối với phần giá trị còn lại của khu đất sau khi hoàn tất nghĩa vụ tại Agribank, cơ quan chức năng sẽ sử dụng vào việc khắc phục thiệt hại Sacombank đang gánh chịu.

Trước đó, một số bị cáo và luật sư đưa ra lý lẽ chứng minh vụ án thiệt hại không lớn như đại diện VKS quy kết. Ngoài ra, luật sư cho rằng bị cáo Cường có hành vi lừa đảo những bị cáo là cán bộ, nhân viên ngân hàng trong toàn bộ quá trình vay vốn. Do đó, việc truy tố cán bộ, nhân viên ngân hàng là không hợp lý.

Chiều 30-7, HĐXX tiếp tục làm việc.

Nguồn: