Thời điểm điểm tháng 8/2020, khi giá vàng thế giới đạt đỉnh trên 2.063 USD/oz, giá vàng trong nước khi đó cũng chỉ giao dịch quanh vùng 60 triệu đồng/lượng. Và ngày hôm qua (8/3) khi giá vàng thế giới chưa trở lại vùng đỉnh lịch sử nhưng giá vàng SJC trong nước chạm ngưỡng 74 triệu đồng/lượng.
Với vùng giá chưa từng có nêu trên, giá vàng miễng SJC đã giãn chênh lệch với giá vàng thế giới lên tới gần 20 triệu đồng/lượng.
Lắc đầu ngao ngán trước cơn điên của giá vàng trong nước, chuyên gia Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank đặt câu hỏi không biết thị trường có bị thao túng giá không mà trong nước cao hơn thế giới lên đến gần 30% vẫn có lực mua?
“Từ nhiều năm trở lại đây, người dân không mấy quan tâm đến vàng như trước. Thế nên lượng vàng trên thị trường dù có giao dịch cũng không thể nào đẩy giá tăng mạnh đến như vậy”, chuyên gia nêu.
Cũng theo vị này, trong khoảng một tháng qua, vàng đúng là kênh đầu tư tỏa sáng, mang lại lợi nhuận cho người nắm giữ nó. Nhưng nhà đầu tư hiện cũng có mối quan tâm hơn như chứng khoán, bất động sản nên khả năng tập trung đổ hết vốn vào vàng là khó.
Đồng quan điểm, một vị nguyên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, theo thông tin ông có được thì doanh số giao dịch vàng không tăng, không có sự đột biến.
“Hiện nay không có cảnh người dân không xếp hàng rồng rắn để mua bán vàng. Người dân cần hết sức tỉnh táo, thận trọng khi đầu tư với giá vàng hiện nay ”, vị này chia sẻ.
Quả đúng như vậy, trên thực tế trong chiều qua giá vàng trong nước đã điều chỉnh mạnh, dù giá vàng thế giới vẫn neo trên mức 2.000 USD/oz. Giá vàng miếng trong nước giảm về vùng 72 triệu đồng/lượng, tức đã điều chỉnh giảm khoảng 2 triệu đồng/lượng.
Như vậy, nếu nhà đầu mua vào lúc sáng thì ngay trong chiều qua đã lỗ ngay khoảng 4 triệu đồng/lượng, bởi chiều mua vào yết ở mức khoảng 70 triệu đồng/lượng.
Do đó, người mua vàng trong nước lúc này phải đối mặt với rủi ro kép, một là chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, hai là chênh lệch giữa giá mua và bán.
Hiện nay, giá vàng thế giới phụ thuộc nhiều vào tình hình thế giới, trong đó tác động mạnh từ câu chuyên Nga - Ukraine. Nếu căng thẳng leo thang, giá vàng được nhận định có thể tiến mốc 2.500 USD/oz
“Mức giá 2.500 USD/oz có thể xảy ra trong năm nay với điều kiện phải có những biến cố lớn đầy bất ngờ. Với mức chênh lệch giá trong nước hiện nay, người dân mua vàng miếng cần thận trọng vì rủi ro là quá lớn”, chuyên gia Phan Dũng Khánh cho biết.
Nguồn: