Đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương khẳng định, thương mại điện tử (TMĐT) là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng lần thứ tư (CMCN 4.0) được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á (SEA) 2020 do Google, Temasek và Bain & Company công bố thì nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị 14 tỷ USD, tăng trưởng 16% so với năm 2019, và Việt Nam là nước có tỷ lệ người dùng Internet mới cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, đạt 41%. Đặc biệt, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nằm trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới năm 2019 (theo bảng xếp hạng City Momentum Index 2019).
Dẫn chứng Sách trắng TMĐT Việt Nam 2020, ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam (B2C) tăng trưởng trung bình hàng năm từ 20%-30%/năm, doanh thu TMĐT B2C của Việt Nam 2019 đạt 10,08 tỷ USD, ước tính giá trị mua sắm trực tuyến đặt 225USD/người/năm (cao nhất trong khu vực).
Đẩy mạnh chuyển đổi số đặt mục tiêu 35 tỷ USD doanh số mua bán trực tuyến.
Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng TMĐT nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu. Xét trên phạm vi toàn cầu, TMĐT xuyên biên giới tăng trưởng nhanh và trở thành xu thế nổi bật của TMĐT trong những năm gần đây. Và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của chúng ta.
“Thực tế cho thấy có nhiều doanh nghiệp thành công và coi các nền tảng TMĐT là công cụ hỗ trợ, là hình thức kinh doanh chủ yếu của mình. Ngày nay, với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ, mọi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng trong và ngoài nước. Hơn nữa, nhờ công nghệ BigData, IoT, doanh nghiệp có thể phân tích hành vi của người tiêu dùng ở mọi thị trường. Qua đó, doanh nghiệp có thể tự cải tiến sản phẩm theo nhu cầu tiêu dùng, xây dựng chiến lược chăm sóc khách hàng, chiến lược tiếp thị đúng đối tượng với chi phí thấp…” - ông Nguyễn Thế Quang nói.
Theo ông Vũ Đức Thịnh - Tổng Giám đốc Lazada LogisticsViệt Nam, cơ hội là ngang nhau nhưng thành công là khác biệt. Bởi tiềm năng thì rất lớn, nhưng trong quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, và dẫn chứng cụ thể có tới 72% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam có định hướng chuyển đổi số nhưng đang phải đối diện với ít nhất 4 thách thức lớn. Cụ thể, đó là các thách thức chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với các công nghệ kỹ thuật số, chưa được trang bị tư duy kinh doanh trên nền tảng số, thiếu sự thấu hiểu khách hàng dữ liệu vận hành trên nền tảng số và vấn đề logistics.
Theo các chuyên gia, kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, tài chính - ngân hàng và dịch vụ, xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, trong bối cảnh có sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, chính từ các biện pháp phải giãn cách xã hội, việc đóng cửa biên giới ở một số nơi… đã buộc doanh nghiệp phải thích ứng, chuyển đổi đặc biệt là phát triển TMĐT cũng như một số mô hình kinh doanh mới dựa trên kinh tế nền tảng kết nối kỹ thuật số, nhất là những hoạt động dịch vụ phi tiếp xúc truyền thống.
“Chúng ta đã ghi nhận những thành công bước đầu đó là những hoạt động TMĐT đặc biệt ở các đô thị lớn rất phát triển, thứ 2 là nhiều doanh nghiệp đã tăng tốc quá trình ứng dụng số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp của mình và ngay cả Chính phủ cũng đã tăng tốc quá trình điện tử hóa Chính phủ, xây dựng Chính phủ điện tử và Cổng thông tin quốc gia điện tử một cửa cũng như các hoạt động khác xung quanh việc hỗ trợ cho phát triển TMĐT. Trong thời gian tới, rõ ràng để thích ứng với bối cảnh tình hình mới thì rõ ràng quá trình cơ cấu lại cũng như phát triển kinh tế của Việt Nam cần phải coi trọng 2 điểm nhấn đó là phát triển TMĐT và tăng chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp” - TS. Nguyễn Minh Phong chỉ rõ.
Đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và dành sự quan tâm đầu tư các cơ sở hạ tầng quan trọng để phát triển CNTT truyền thông; thúc đẩy TMĐT, ứng dụng công nghệ hiện đại phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Có thể kể đến như Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 về Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 – 2025…
Theo đó, đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600USD/người/năm; Doanh số TMĐT của mô hình TMĐT B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong TMĐT, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, trong đó, đặc biệt chú trọng các giải pháp phần mềm dựa trên nền tảng công nghệ số của các doanh nghiệp startup công nghệ Việt Nam nhằm đưa vào thực tế triển khai chuyển đổi số cho doanh nghiệp./.
Nguồn: