Tạo điều kiện để người lao động thất nghiệp được hưởng trợ cấp nhanh nhất
Ngày 20/3, Cục Việc làm có văn bản gửi các địa phương về việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trước tình hình dịch bệnh Covid-19.
Văn bản trên thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) về việc thực hiện nghiêm công tác phòng dịch, nhưng vẫn hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động đảm bảo quyền lợi về BHTN.
Theo đó, Cục Việc làm yêu cầu các trung tâm dịch vụ việc làm thuộc sở LĐ-TBXH các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương bên cạnh việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình chi trả BHTN thì đồng thời cũng phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp nhanh nhất, đúng quy định.
Tăng cường đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, tập trung về quyền và lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động khi tham gia và hưởng chế độ BHTN theo quy định, hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện BHTN.
Các trung tâm dịch vụ việc làm cũng phải chủ động nắm bắt thị trường lao động trên địa bàn, đặc biệt là tình hình ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với sản xuất, kinh doanh và việc làm của người lao động để đề xuất phương án hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng.
Đồng thời, xây dựng và triển khai các phương án sắp xếp, bố trí, tăng cường nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị,... phù hợp để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, người sử dụng lao động trong việc hưởng BHTN nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp phòng dịch, tránh trục lợi chính sách.
Ngoài ra, cần nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai các hoạt động giao dịch, kết nối, tuyển dụng, tránh tập trung đông người để phòng chống Covid-19.
Số người lao động đến đăng ký thất nghiệp gia tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh H.Bình/Thanh niên
Đề xuất tạm dừng đóng BHTN đến hết năm 2020, cơ chế cho vay ưu đãi
Đây là một trong những nội dung nằm trong gói đề xuất 6 điểm gửi Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đối phó với ảnh hưởng bất lợi từ dịch Covid-19, được Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung công bố sáng 20/3.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, dự kiến từ 25.000 - 50.000 tỷ đồng sẽ phát sinh do tạm dừng đóng, miễn lãi chậm đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất cho khoảng 1,5 - 3 triệu lao động, tương ứng với từ 105.000 đến 211.000 doanh nghiệp...
Về chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TBXH đã đồng ý với việc tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất cho 2 nhóm doanh nghiệp: Doanh nghiệp có từ 50% số lao động trong diện tham gia BHXH bắt buộc bị ngừng việc, thôi việc, không bố trí được việc làm; doanh nghiệp bị thiệt hại từ 50% tổng thu nhập do dịch Covid-19.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong tình hình hiện nay, Bộ LĐ-TBXH sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu việc mở rộng đối tượng bị ảnh hưởng của Covid-19 để nhận được hỗ trợ.
Cụ thể, việc hỗ trợ không chỉ căn cứ vào phần trăm số lao động bị ảnh hưởng mà những tất cả người bị ảnh hưởng, những người bị ngừng việc đều được tạm dừng việc đóng một phần bảo hiểm xã hội. Đồng thời không khống chế tỷ lệ thiệt hại trên 50% đối với nghiệp mới được nhận hỗ trợ.
Về điều kiện, Bộ LĐ-TBXH cũng sẽ đề xuất việc hỗ trợ sẽ áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp chứ không phải chỉ có doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ 50%. Thời hạn áp dụng tạm dừng từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020.
Với đề xuất như trên, Bộ LĐ-TBXH ước tính sẽ có khoảng 1,5 - 3 triệu người được hưởng lợi từ chính sách, 150.000 - 200.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách. Số kinh phí từ nguồn quỹ hưu trí tử tuất này xét từ 25.000 - 49.000 tỷ đồng lấy từ kết dư của Quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất.
Về chính sách tạm dừng đóng BHTN, Bộ LĐ-TBXH đề xuất 100% doanh nghiệp và người lao động được tạm dừng đóng BHTN trong thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 12/2020. Sau đó doanh nghiệp và người lao động phải đóng bù thời gian này mà không phải nộp tiền lãi chậm đóng.
Trong trường miễn đóng BHTN, đề xuất của Bộ LĐ-TBXH hướng tới các doanh nghiệp và lao động ngừng việc, không tham gia sản xuất.
Bộ LĐ-TBXH cũng đề xuất hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với người lao động, ưu tiên lao động là người dân tộc thiểu số, lao động không có quan hệ lao động ở khu vực nông thôn, lao động phi chính thức ở khu vực thành thị… Dự kiến, thời hạn vay tối đa là 12 tháng với lãi suất vay là 3,96%/năm bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc hỗ trợ này sẽ hướng tới khoảng 350.000 lao động với mức vay bình quân 30 triệu đồng/lao động và 20.000 cơ sở sản xuất kinh doanh mức vay bình quân 500 triệu đồng/cơ sở.
Với nhóm chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhằm giúp doanh nghiệp khó khăn do Covid-19, Bộ LĐ-TBXH hướng tới việc hỗ trợ doanh nghiệp được vay tiền để trả lương trong trường hợp người lao động ngưng việc tạm thời. Qua đó giữ chân người lao động và tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định, phục hồi lại sản xuất và kinh doanh. Khi đó người lao động tiếp tục trở lại lao động bình thường.
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, hồ sơ hưởng BHTN bao gồm:
Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng, quyết định thôi việc, quyết định sa thải, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc); Sổ bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, người lao động cũng cần mang theo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú kèm theo bản gốc để đối chiếu.
Về thủ tục hưởng BHTN, sau khi có đủ hồ sơ, người lao động thực hiện theo trình tự sau:
Bước 1. Nộp hồ sơ tới trung tâm dịch vụ việc làm
Khoản 1 Điều 17 Nghị định 28 năm 2015 của Chính Phủ quy định:
Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi muốn nhận trợ cấp (không phụ thuộc vào nơi đang ở hay nơi đang làm việc).
Bước 2. Giải quyết hồ sơ
Cũng theo Nghị định 28, cụ thể khoản 1 Điều 18, trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, người lao động chưa tìm được việc làm thì trung tâm giới thiệu việc làm thực hiện xác nhận giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, trung tâm giới thiệu việc làm ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp kèm theo sổ bảo hiểm xã hội có xác nhận trả cho người lao động
Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16 theo ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp.
Bước 3. Nhận tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp
Trong trường hợp được nhận trợ cấp thất nghiệp, theo khoản 2 Điều 18, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định chi trả trợ cấp thất nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương thực hiện chi trả tiền trợ cấp tháng đầu tiên cho người lao động kèm theo thẻ bảo hiểm y tế.
Hàng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp thất nghiệp trong vòng 12 ngày tính từ ngày hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Bước 4. Hàng tháng thông báo tìm kiếm việc làm
Khoản 1 Điều 19 Nghị định này còn quy định, hàng tháng người lao động phải đến trung tâm dịch vụ việc làm để thông báo về việc tìm kiếm việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo đúng lịch hẹn kèm theo Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp).
Nguồn: