Mục tiêu lợi nhuận vượt 20.000 tỷ
Theo báo cáo do ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc trình bày trước đại hội, năm 2022, ngân hàng dự kiến tổng tài sản tăng 15% lên 700.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 24% lên 46.882 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng khoảng 16% lên 472.600 tỷ đồng và theo giới hạn room mà Ngân hàng Nhà nước giao cho.
MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 20.300 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021. Trong trường hợp kinh tế vĩ mô diễn biến khó khăn GDP<5%, CPI>5%, ngân hàng dự kiến lợi nhuận đạt 19.000 tỷ đồng, tăng 15%.
Ngân hàng cũng đặt mục tiêu tăng hiệu quả hoạt động các công ty thành viên, tăng tỷ trọng đóng góp lợi nhuận công ty thêm 2-3%. Tăng năng lực bán chéo trong tập đoàn. Đồng thời, MB muốn thu hút mới 2,5-3 triệu khách hàng bán lẻ trong 2022, tiếp tục nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA).
HĐQT MB cho biết, ngân hàng xây dựng các chỉ tiêu chiến lược về tài chính tăng trưởng cao hơn bình quân ngành với Doanh thu và Lợi nhuận kỳ vọng năm 2026 gấp 2,5 lần đến 3 lần so với 2021 theo các kịch bản linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Muốn nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng
Đáng chú ý, ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng (TCTD).
Theo đó, MB thực hiện nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nhằm tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém, lành mạnh hóa hoạt động ngành ngân hàng theo hướng an toàn bền vững, trên cơ sở tự nguyện đề xuất từ phía MB và phù hợp quy định pháp luật.
Căn cứ Luật các TCTD, sau khi MB nhận chuyển giao bắt buộc TCTD thì MB trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của TCTD được chuyển giao bắt buộc; TCTD được chuyển giao bắt buộc là pháp nhân độc lập với MB.
MB được áp dụng một số quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật như: MB không phải thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của TCTD được chuyển giao bắt buộc; MB được loại trừ TCTD được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất; khoản góp vốn vào TCTD được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của MB; MB và TCTD được chuyển giao bắt buộc được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.
Việc nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD giúp MB có cơ hội để tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5~ 2 lần trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới.
Ông Lưu Trung Thái cho biết, Nhà nước sẽ hỗ trợ một số biện pháp để giải quyết vấn đề lỗ luỹ kế của tổ chức tín dụng chuyển giao bắt buộc này.
Dự án tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém này đã có 7 năm nhưng chưa được triển khai, đến năm nay là năm thứ 8, MB mới tham gia nhận chuyển giao bắt buộc để tái cơ cấu.
"Đây không phải là việc dễ dàng. Việc không khó thì đã không đến lượt MB, nhưng chúng ta được sự ủng hộ của NHNN, và dự án có ích cho xã hội. Chúng ta xác định, đây là nhiệm vụ khó khăn, nhưng dài hạn sẽ đem lại cộng hưởng lớn cho MB tăng trưởng", ông Lưu Trung Thái nói.
Cổ đông dự ĐH của MB
Kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gần 47.000 tỷ đồng
Một nội dung quan trọng khác sẽ được trình cổ đông là kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 37.783 tỷ đồng lên 46.882 tỷ đồng, tức tăng thêm gần 9.100 tỷ.
Cụ thể, ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ thêm 892,4 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ thông qua năm 2021. Trong đó, sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ 70 triệu cổ phần cho Viettel, phát hành 19,24 triệu cổ phiếu ESOP.
MB cũng sẽ triển khai phương án tăng vốn điều lệ mới năm 2022. Theo đó, MB tăng vốn điều lệ thêm 7.556 tỷ đồng thông qua phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 20%.
Tiếp theo, ngân hàng sẽ chào bán cổ phiếu riêng lẻ mới thêm dự kiến 65 triệu cp. Giá chào bán thỏa thuận, không thấp hơn giá trị sổ sách. Thời gian thực hiện chào bán trong năm 2022 và 2023.
Số lượng cổ đông dự ĐHĐCĐ năm 2022 của MB hơn 1.000 người
Phần thảo luận
Phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém
Cổ đông: Chúng tôi rất lo việc nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém. Trong lịch sử gần đây các NHTM, như Sacombank sáp nhập ngân hàng Phương Nam, đến nay vẫn chưa khắc phục hết tồn đọng. Có lợi nhưng nhiều khi lợi bất cập hại.
Cổ đông: Tôi năm nay 77 tuổi, tham gia chứng khoán từ 1996 từ khi bắt đầu có cổ phần hoá, chứng kiến 3 lần giải quyết ngân hàng yếu kém. Tôi cũng đã đọc báo cáo của ngân hàng về việc giải cứu ngân hàng yếu kém và đồng ý hoàn toàn. Vì nếu để ngân hàng đó phá sản cũng sẽ ảnh hưởng tới ngành ngân hàng, trong đó sẽ lan truyền tới chúng ta. Tôi tin MB nắm đằng chuôi trong dự án này.
Cổ đông: Lợi ích mà NHNN sẽ hỗ trợ cho MB là gì? Room tăng trưởng hay tái cấp vốn?
Cổ đông: Cơ chế đặc biệt nào để ghi nhận quyền sở hữu của MB tại ngân hàng yếu kém đó? Theo tôi hiểu là sẽ không hợp nhất, vậy quyền sở hữu như thế nào?
Cổ đông: Giả sử sau 5-7 năm, nếu chúng ta không tái cơ cấu không thành công, chúng ta có quyền trả lại cho Nhà nước hoặc bán 0 đồng hoặc bán có tiền lãi hay không?
Ông Lưu Trung Thái cho biết, phương án chuyển giao bắt buộc có 2 lý do. MB là một trong 7 ngân hàng được mời đến tham gia dự án chuyển giao bắt buộc, MB được lựa chọn vì chúng ta có khả năng tốt, cần đóng góp cho ngành ngân hàng. Đây có phải là nhiệm vụ chính trị không? Có! Vì chúng ta có khả năng để thực hiện.
Dự án này cũng là tự nguyện của MB. Lý do, hàng năm, nhu cầu tăng trưởng của chúng ta lớn hơn khả năng đang được NHNN cho phép. Hiện MB hàng năm tăng 20-25% nhưng ta có thể tăng 30-35% mà vẫn an toàn. Với việc nhận chuyển giao bắt buộc, MB sẽ được nhận ưu tiên mở rộng không gian tăng trưởng.
Việc chuyển giao bắt buộc này, chúng ta không phải bỏ tiền, hoàn toàn nhận chuyển giao 0 đồng. Tôi xin phép chưa công bố danh tính ngân hàng yếu kém này, nhưng MB chỉ nhận chuyển giao như phương án đã trình cổ đông, nằm trong phạm vi dưới 10% tổng tài sản của MB, lỗ luỹ kế không quá 20.000 tỷ.
Theo tính toán, khoảng 7-8 năm thì có thể giải quyết dứt điểm lỗ luỹ kế của ngân hàng này. Biện pháp lớn nhất là sẽ được vay một khoản tiền lãi suất 0% trong thời gian tái cơ cấu, cộng thêm MB được tăng trưởng quy mô lớn.
Trong giai đoạn đầu, MB sẽ chuyển sang một số khoản dư nợ tốt cho ngân hàng này để hỗ trợ.
Chúng ta không nhất thiết hợp nhất. Có 3 phương án. Sau khi tái cơ cấu, ngân hàng đó sẽ sáp nhập vào MB để quy mô MB to lên. Thứ hai, chúng ta có thể bán đi như một khoản đầu tư. Thứ ba, IPO chuyển thành ngân hàng cổ phần. Trả lại thì không được nhưng chúng ta có quyền bán đi hoặc IPO tổ chức này.
Dự án này có ảnh hưởng tới hệ sinh thái MB nhưng là ảnh hưởng tốt vì chúng ta đang có 13 triệu khách hàng nhưng cái khó là chúng ta phải đủ độ phủ để giải quyết nhu cầu KH. Chúng ta phải đẩy ra các kênh khác để giảm tải lượng KH đến phòng giao dịch. NH kia có hơn 100 chi nhánh PGD, sẽ cộng hưởng vào mạng lưới của chúng ta và hệ thống SmartBank.
Hiện ngân hàng này đã thuộc sở hữu của Nhà nước. Phương án của chúng ta là với Nhà nước chứ không phải cổ đông của ngân hàng yếu kém đó. Chúng ta không phải giúp họ về lợi ích vì họ quản trị ngân hàng không hiệu quả, khiến NHNN phải giải cứu.
Cổ đông: Dư nợ cho vay bất động sản của MB là bao nhiêu?
Trong cho vay BĐS có cho vay kinh doanh BĐS và cho vay nhu cầu cá nhân về nhà ở. Hiện nhu cầu của cá nhân về nhà ở rất lớn trong nền kinh tế. Hiện dư nợ cho vay BĐS tại MB được kiểm soát dưới 10%, nợ xấu cũng rất thấp. Tỷ lệ trái phiếu BĐS của MB là 3,98%.
Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.
https://cafef.vn/dhcd-ngan-hang-mb-ban-ke-hoach-nhan-chuyen-giao-bat-buoc-mot-tctd-muc-tieu-loi-nhuan-vuot-20000-ty-20220425070439991.chnNguồn: