Sáng ngày 22/4/2022, Ngân hàng Sacombank tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2021.
Năm 2021 hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu, ghi dấu ấn đặc biệt về xử lý nợ xấu
Báo cáo tại đại hội, Hội đồng quản trị và Ban điều hành Sacombank cho biết, năm 2021 đã gặp không ít khó khăn trong tình hình chung của nền kinh tế, tuy nhiên ngành ngân hàng đã thực hiện mục tiêu kép là vừa hỗ trợ khách hàng vừa đảm bảo an toàn hoạt động trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đóng góp nhiều vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Sacombank cũng đã hoàn thành các mục tiêu trọng yếu.
Kết thúc năm 2021, tổng tài sản của Sacombank đạt hơn 521 ngàn tỷ đồng, tăng 6%; huy động vốn tăng 4% đạt hơn 464 ngàn tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh về mức 1,47%; số dự phòng tăng gần 24% đạt hơn 16.130 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 4.400 tỷ, tăng 31,8%. Các chỉ số sinh lời tiếp tục được cải thiện với ROA bình quân đạt 0,67% và ROE đạt 10,79%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) tăng 30,6% đạt 1.630 đồng. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu đạt hơn 34,6 ngàn tỷ đồng. Các tỷ lệ đảm bảo an toàn tuân thủ theo đúng theo quy định của NHNN.
Đặc biệt, năm 2021 Sacombank ghi dấu ấn tượng trong công tác xử lý và thu hồi nợ xấu. Cụ thể, ngân hàng đã thu hồi, xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng được 14.087 tỷ đồng, trong đó thu hồi 11.759 tỷ đồng các khoản thuộc Đề án, vượt mục tiêu cổ đông giao (10 ngàn tỷ); nâng mức thu hồi luỹ kế từ khi thực hiện Đề án lên 58.306 tỷ đồng, đạt 67,9% kế hoạch tổng thể đề án đến 2025, vượt 7,9% tiến độ.
Ngân hàng cũng đã trích lập được 8.260 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro và xử lý tài sản tồn đọng trong năm qua, nâng tổng mức trích lập luỹ kế lên 20.287 tỷ, đạt 87,5% kế hoạch tổng thể của đề án đến năm 2025.
Vị thế của Sacombank phục hồi trên thị trường, được nhà đầu tư đánh giá cao khi giá cổ phiếu STB tăng gấp 3,3 lần năm 2016 từ chưa đến 10.000 đồng lên trên 31 ngàn đồng/cổ phiếu.
Cổ đông tham dự ĐHCĐ Sacombank ngày 22/4
Năm 2022 đặt mục tiêu lãi hơn 5.200 tỷ, sớm hoàn thành Đề án tái cơ cấu, số hoá toàn diện
Năm 2022, Sacombank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản lên trên 573 ngàn tỷ đồng, tăng 10% so với 2021; nguồn vốn huy động tăng 10%, dư nợ tín dụng tăng 12%, lợi nhuận trước thuế tăng 20% lên 5.280 tỷ đồng, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Các giải pháp trọng tâm thực hiện trong năm nay gồm: Đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và nợ tồn đọng còn lại; Tiếp tục phát triển các giải pháp công nghệ số trong tất cả các hoạt động chính của ngân hàng; hoàn thiện các dự án quản trị rủi ro theo Basel II; khai thác hiệu quả nguồn vốn và tăng hiệu suất sử dụng tài sản; mở rộng quy mô; tăng năng suất lao động; thực hiện phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên (ESOP) để gắn kết bền chặt hơn giữa người lao động với Sacombank.
Nhấn mạnh đến mục tiêu năm 2022, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc cho biết, chỉ trong 4 tháng đầu năm, Sacombank đã ghi nhận tăng trưởng huy động hơn 7%, tăng trưởng tín dụng hơn 6%. Đặc biệt nợ xấu thu hồi trên 11.500 tỷ, trong đó thực thu mang về cho ngân hàng 6.500 tỷ, dự kiến cả năm sẽ thu hồi và xử lý 15.000 tỷ đồng nợ xấu.
Với tiến độ kinh doanh đang được triển khai quyết liệt, theo bà Diễm, Sacombank tự tin sẽ hoàn thành và vượt mọi chỉ tiêu cổ đông giao, hoàn thành sớm Đề án tái cơ cấu.
Kế hoạch chia cổ tức vẫn chờ NHNN
Phó chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, theo số liệu tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2021 thì lợi nhuận hợp nhất giữ lại đến cuối 2021 là gần 9.000 tỷ đồng, tương ứng gần bằng 50% vốn điều lệ của Sacombank. Đây là số tiền có thể dùng để chia cổ tức cho cổ đông.
Tuy nhiên, do hiện tại Sacombank đang thực hiện đề án nên việc chia cổ tức phải chờ sự chấp thuận của NHNN. Từ năm 2019 tới nay Sacombank vẫn liên tục trình phương án sử dụng lợi nhuận để chia cổ tức cho cổ đông nhưng vẫn phải chờ sự chấp thuận từ NHNN.
Cổ đông thảo luận
Cổ đông hỏi liên quan đến phần nợ xấu liên quan KCN Phong Phú đang được xử lý ra sao?
Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh cho biết ngân hàng đang tích cực làm việc với UBND Thành phố để đưa ra thời gian giải quyết đấu giá khoản nợ, dự kiến 2022 sẽ giải quyết dứt điểm việc đấu giá khoản nợ này.
Cổ đông hỏi về lãi dự thu của Sacombank xử lý khi nào thì xong, dư nợ cho vay BĐS hiện nay ra sao, dư nợ cho vay với hệ sinh thái FLC và Bamboo Airways như thế nào? Ký nâng tầm bảo hiểm với Dai-ichi life thu về phí upfront bao nhiêu?
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc trả lời:
Lãi dự thu cuối năm 2021 gần 6.000 tỷ, quý vừa rồi trích lập gần 2.500 tỷ, phần còn lại trích lập trong năm 2022 và dự kiến quý 3 sẽ trích lập đủ. Các khoản dự thu sẽ xử lý xong trước khi trình NHNN xử lý các cổ phiếu VAMC.
Dư nợ cho vay BĐS của Sacombank chỉ 22%, trong đó cho vay người dân, tiêu dùng xây, sửa nhà chiếm đến 60%. Cho vay dư nợ doanh nghiệp BĐS chỉ 30 nghìn tỷ, chiếm tỷ trọng rất rất nhỏ trong tổng dư nợ gần 400 ngàn tỷ - là ngân hàng kiểm soát cho vay BĐS tốt nhất.
Cho vay hệ sinh thái của FLC trên 5000 tỷ, trong đó có cả của Bamboo Airways. Các khoản vay này tại thời điểm đó là đồng hành cùng hàng không, du lịch và đã truyền thông rộng rãi. Các khoản vay vừa đảm bảo bằng cổ phiếu, đằng sau là nhiều dự án BĐS, vì vậy xử lý các tài sản này cũng tốt. Hiện ngân hàng đã xử lý được 2.600 tỷ, đã thu nợ rồi và tới đây thu tiếp. Cổ đông yên tâm rằng hiện Sacombank cho vay rất chuẩn, đúng quy định.
Về cổ phiếu VAMC, Ngân hàng đã trình NHNN và chờ NHNN phê duyệt ra sao thì sẽ xử lý công khai, minh bạch.
Với hợp đồng bảo hiểm, Sacombank đã ký hợp đồng nâng tầm với Dai-ichi Life rất lớn, nhưng do quy định bảo mật nên không thể tiết lộ. Cổ đông có thể xem báo cáo tài chính quý 1 và quý 2.
Ông Dương Công Minh bổ sung thêm về khoản nợ của FLC chỉ có 3.200 tỷ, đã thu hồi được 2.600 tỷ, trong vòng 1 tháng nữa sẽ thu hồi xong khoản vay của FLC. "Thực ra khoản nợ tốt nhưng do sức ép dư luận nên Sacombank phải thu hồi sớm" - ông Minh nói.
Cổ đông hỏi sao giá cổ phiếu STB giảm hoài?
Ông Dương Công Minh: Cổ phiếu giảm là theo xu hướng chung của thị trường chứ không riêng gì STB.
Biểu quyết thông qua các tờ trình
Cổ đông tham dự ĐH trực tiếp và trực tuyến đã thông qua kết quả các tờ trình với tỷ lệ thống nhất cao trên 97%.
Bầu cử nhân sự HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới 2022 - 2026
Một nội dung quan trọng trong đại hội năm nay của Sacombank là bầu cử Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2026. Theo đó, HĐQT nhiệm kỳ mới sẽ có 7 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập.
Đứng đầu danh sách đề cử là ông Dương Công Minh - chủ tịch HĐQT đương nhiệm và bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng giám đốc. Cả ông Minh và bà Diễm đều được nhóm cổ đông sở hữu trên 10% vốn Sacombank đề cử, và được HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021 đề cử làm thành viên nhiệm kỳ mới.
Tiếp theo trong danh sách đề cử là ông Phạm Văn Phong (1962), ông Nguyễn Xuân Vũ (1981), ông Phan Đình Tuệ (1966), bà Phạm Thị Thu Hằng (1962) và ông Vương Công Đức (1971). Cả 5 nhân sự này đều được HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021 đề cử. Trong đó, ông Đức và bà Hằng được đề cử làm thành viên HĐQT độc lập.
Danh sách đề cử BKS có ông Trần Minh Triết, trưởng BKS đương nhiệm; ông Lê Văn Thành (1963), bà Hà Quỳnh Anh (1971) và ông Lâm Văn Kiệt (1972).
Kết quả bầu cử, tất cả các ứng cử viên đều trúng cử vào HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới.
Nguồn: