Đây chỉ là chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, thực chất, các đối tượng không có tiền giả. Theo Phòng PC50 (Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm Công nghệ cao - Công an thành phố Hà Nội): Người có hành vi mua và bán tiền giả đều vi phạm pháp luật.
Công khai rao bán “tiền giả dễ tiêu thụ”
Tình trạng quảng cáo, rao bán, trao đổi tiền giả trên mạng xã hội facebook lại tiếp tục tái xuất. Nhiều tài khoản cá nhân đưa ra những lời chào hàng, rao bán có cánh về việc đổi tiền thật lấy tiền giả với chênh lệch gấp nhiều lần. Theo quảng cáo của những chủ tài khoản facebook này, tiền giả giống đến 99% tiền thật, dễ tiêu thụ, thậm chí còn công khai để lại số điện thoại giao dịch...
Nhiều facebook quảng cáo đổi tiền thật lấy tiền giả. Ảnh MXH
Một facebooker có tên Q.Q mời chào: “Hàng bên mình 1 triệu đồng tiền thật đổi 12 triệu đồng tiền giả nhé. Bên mình có đầy đủ các mệnh giá nhé tiền giống thật 99% mắt thường không phân biệt được làm bằng chất liệu polyme nhúng nước không phai màu”.
Hay trên facebook T.Q.N cũng đưa ra lời quảng cáo về việc đổi tiền giả như: “Hàng luôn có sẵn, tiền chất lượng polyme chuẩn 98%, tỉ lệ 1 triệu thật đổi 12 triệu giả! Anh em nào đặt hàng thì nhắn tin trực tiếp để lại thông tin địa chỉ số điện thoại bên dưới để được tư vấn, giao hàng toàn quốc nha anh em”…
Để khách hàng yên tâm, nhiều chủ tài khoản facebook còn quảng cáo thêm “bên mình sẽ lo lót từ A-Z, các bạn cứ yên tâm. Nhận ship hàng toàn quốc”. Trực tiếp liên hệ với một facebooker tự nhận về việc đổi tiền giả tên H, người này cho biết: “Tiền giả hình như trong ảnh, tỉ lệ đổi 1 triệu đồng tiền thật lấy 12 triệu đồng tiền giả. Nếu có quan tâm thì gửi tin nhắn trực tiếp để được xem hình ảnh của các tờ tiền. Nếu thực hiện giao dịch, chỉ cần trong ngày là có thể có tiền”.
Thực chất chỉ là chiêu trò lừa đảo
Theo ThS-LS Đặng Văn Cường (Đoàn LS TP.Hà Nội), trước tiên có thể nói rằng hành vi rao bán, mua bán tiền giả là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào mục đích và hậu quả mà có thể xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.
Kiểm tra tờ tiền trước khi giao dịch
Ông Tô Vũ Tuấn - chuyên viên Ngân hàng HD Bank - khuyến cáo: Để tránh rủi ro khi giao dịch mọi người nên kiểm tra tờ bạc của mình bằng những cách thủ công như: (1) Soi tờ bạc trước nguồn sáng (kiểm tra hình bóng chìm, dây bảo hiểm, hình định vị); (2) Vuốt nhẹ tờ bạc (kiểm tra các yếu tố in lõm); (3) Chao nghiêng tờ bạc (kiểm tra mực đổi màu, hình ẩn nổi…); (4) Kiểm tra các cửa sổ trong suốt (số mệnh giá dập nổi và yếu tố hình ẩn); (5) Dùng kính lúp, đèn cực tím (kiểm tra chữ in siêu nhỏ, các yếu tố phát quang).
Theo ông Tô Vũ Tuấn, việc mua bán, sử dụng tiền giả là hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho nền kinh tế tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ và làm mất giá trị của đồng tiền thật. Do đó, rất cần lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng này.
Theo Điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam: Nghiêm cấm làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, mua bán và lưu hành tiền giả dưới bất kỳ hình thức nào.
Nguồn: