Những thông điệp mới nhất phát đi từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) về lạm phát đã như "ném thêm một quả lựu đạn" vào con đường euro đang đi.
Vốn đã mất giá hơn 7% so với USD từ đầu năm đến nay, euro nay còn giảm so với cả các loại tiền tệ chủ chốt khác, sau khi Chủ tịch ECB, Christine Lagarde, ngày thứ Hai (15/11) đã dập tắt mọi hy vọng trên thị trường tiền tệ về khả năng sẽ nâng lãi suất vào năm 2022.
Chiến lược gia Kenneth Broux của Societe Generale cho biết: "Với việc ECB vẫn khẳng định rằng lãi suất sẽ không tăng trong năm tới, không có nhiều ý nghĩa khi cố gắng ‘hứng một con dao đang rơi’".
"Xu hướng tăng giá mạnh mẽ của đồng euro đã kết thúc kể từ khi các nhà đầu tư bắt đầu bán tháo đồng tiền này vào tháng 9, và đến nay họ vẫn chưa từ bỏ chiến thuật này", ông Broux nói.
Hiện euro đang ở mức thấp nhất 15 tháng so với USD, vào khoảng 1,13 USD. So với bảng Anh, euro cũng ở mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch Covid-19, trong khi so với đô la Australia, euro cũng thấp nhất trong vòng 3 tháng.
So với franc Thụy Sỹ, USD thậm chí đang ở mức thấp nhất kể từ 2015, mặc dù lãi suất của Thụy Sỹ thấp hơn lãi suất của ECB.
Trên thị trường Việt Nam, ngày hôm qua 17/11, tỷ giá euro tại các ngân hàng đồng loạt giảm so với phiên đóng cửa cuối phiên liền trước. Tỷ giá mua euro tại các ngân hàng dao động trong khoảng từ 24.983 - 25.448 VND/EUR còn tỷ giá bán trong phạm vi từ 25.859 - 26.362 VND/EUR: Vietcombank cùng lúc giảm giá mua xuống 132 đồng và giá bán xuống 140 đồng; Vietinbank cũng giảm 136 đồng cho cả chiều mua và chiều bán xuống giao dịch với giá là 25.243 - 26.288 VND/EUR…Trên thị trường chợ đen, đồng euro cũng đồng loạt giảm 30 đồng cho cả chiều mua và chiều bán xuống giao dịch với giá là 26.570 - 26.670 VND/EUR.
Tỷ giá EUR/USD.
Với lập luận rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát sẽ có thể làm cho sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu bị cản trở, bà Christine Lagarde đã thẳng thắn bác bỏ những lời kêu gọi siết chặt chính sách tiền tệ.
Trên thực tế, ECB đang chịu nhiều áp lực giữa một bên là việc phải dần từ bỏ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để kiềm chế mức tăng giá cả hiện đã chạm mục tiêu 2% và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay đang làm "xói mòn" sức mua hàng hóa của các hộ gia đình, một bên là con đường tăng trưởng kinh tế khu vực còn nhiều chông gai, nhất là số ca nhiễm Covid-19 mới đang diễn biến phức tạp, nhiều nơi tăng trở lại, nhiều nước phải tái áp dụng chính sách phong tỏa.
Với tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng và chuỗi cung ứng vẫn bị tắc nghẽn như hiện nay trong khi những tháng giá lạnh mùa đông còn ở phía trước, bà Lagarde thừa nhận rằng việc lạm phát cao sẽ còn kéo dài lâu hơn so với kỳ vọng, mặc dù bà hy vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt vào năm sau.
"Ở thời điểm mà sức mua đang bị bóp nghẹt bởi giá năng lượng cao và chi phí các loại nhiên liệu khác lên mạnh, việc thắt chặt các điều kiện tài chính không phải ưu tiên hàng đầu bởi sẽ gây ra cản trở với quá trình phục hồi kinh tế", bà Lagarde nói tại phiên điều trần trước Ủy ban các vấn đề kinh tế của Nghị viện châu Âu, và thêm rằng: "Nếu thực hiện siết chặt chính sách hiện nay, điều đó sẽ có hại nhiều hơn là có lợi".
Lập trường của bà Lagarde đã đẩy euro trượt giá thê thảm so với hầu hết các đồng tiền đối tác khác – những đồng tiền được nang đỡ bởi kỳ vọng ngân hàng trung ương của họ sắp thắt chặt chính sách tiền tệ, chẳng hạn như bảng Anh – dự kiến Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có thể sẽ nâng lãi suất sau cuộc họp chính sách vào tháng tới; hay Ngân hàng Trung ương Mỹ (Cục Dự trữ Liên bang – Fed) có thể sẽ nâng lãi suất từ giữa năm 2022.
Dường như xu hướng giá giảm của euro trong thời gian ngắn sắp tới đã được ấn định. Dự báo từ nay đến kỳ họp tháng 12 của ECB (ngày 16/12), đồng euro sẽ tiếp tục dao động rất mạnh.
Trường phái sinh, nơi các nhà giao dịch thường đặt cược cho tương lai, cho thấy xu hướng giảm giá của euro tăng nhanh trong 2 phiên vừa qua. Các hợp đồng euro/đô la Mỹ kỳ hạn một tháng đều tăng điểm trong 24 giờ qua, phản ánh phí bảo hiểm rủi ro tăng lên vì mức dao động tỷ giá sẽ mạnh lên.
Mức hoàn rủi ro (Risk reversals & positions) của đồng euro kỳ hạn 3 tháng – thước đo nhu cầu đối với các quyền chọn cho một loại tiền tệ tăng hoặc giảm – cho thấy mức chênh lệch giá giữa "calls" và "puts" (mức cộng) cho đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.
Các lệnh "calls" và "puts" cho phép người nắm giữ tiền tệ bán hoặc mua khi cần thiết.
Mức hoàn rủi ro cho đồng euro.
Tỷ lệ các nhà đầu tư đặt cược rằng ECB sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ vào năm tới hiện giảm còn 12,5%, so với 20% dự báo cách đây một tuần.
Tỷ lệ dự đoán Fed tăng lãi suất đã cao hơn tỷ lệ dự đoán về động thái tương tự của châu Âu.
Nhà đầu tư bất ngờ khi euro lao dốc
Việc euro giảm giá sâu không phải chỉ do euro mà còn bởi kỳ vọng Fed sẽ phải áp dụng các biện pháp kìm hãm nền kinh tế đang quá nóng, với doanh số bán lẻ tháng 10 tăng vượt mọi dự báo, mặc dù lạm phát cao nhất trong vòng 30 năm.
Ông Mark Haefele, CIO của UBS Global Wealth Management, dự kiến đồng bạc xanh sẽ tiếp tục tăng hơn nữa trong năm tới, khiến giá trị của đồng euro rớt xuống chỉ 1,10 USD vào cuối năm 2022.
Đối với châu Âu, việc tăng lãi suất vào năm 2022 dường như luôn là một "giấc mơ xa vời" mặc dù lạm phát đang ở trên mức mục tiêu 2%, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 gần đây đột ngột tăng mạnh trở lại, có nguy cơ đẩy lùi những thành quả tăng trưởng ít ỏi mà khu vực này có được.
Các chỉ số kinh tế do Citi tổng hợp cho thấy kết quả kinh tế châu Âu tụt hậu so với của Mỹ, với khoảng cách đang rộng nhất trong vòng hơn một năm.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư dường như không chuẩn bị cho sự suy yếu của đồng euro, bởi họ đặt cược rằng có thể Fed sẽ trì hoãn tiến độ thắt chặt tiền tệ.
Dữ liệu cho thấy các quỹ đầu cơ vẫn chuyển hướng "mua ròng" đồng euro trong tuần vừa qua, với lượng mua vào tương đương 1,4 tỷ USD. Một số người chỉ "chợt tỉnh" sau bài phát biểu của bà Lagarde.
Trên thị trường phái sinh cũng tương tự như vậy, các nhà đầu tư được định vị bởi sức mạnh của đồng euro, với khoảng 7 tỷ đô la quyền chọn sẽ đáo hạn vào cuối tháng 11 đã có chủ ở tỷ giá khoảng 1,15 USD. Điều đó phản ánh việc nhà đầu tăng kỳ vọng vào việc Mỹ sớm nâng lãi suất.
Theo kết quả thăm dò của BofA Securities, chênh lệch lợi suất giữa các hợp đồng EUR và USD kỳ hạn tương lai, sẽ đáo hạn vào tháng 12/2022, hiện ở mức cao nhất kể từ tháng 11/2020, cho thấy các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ có khoảng 1,5 đợt tăng lãi suất trong năm 2022.
Vào nửa cuối năm 2022, "Fed có thể tăng lãi suất và điều này có thể khiến đồng euro khó lấy lại được giá trị đã mất so với USD", Jane Foley, người phụ trách mảng chiến lược ngoại hối của Rabobank cho biết.
Tâm lý bi quan về triển vọng kinh tế "đè nặng" lên đồng euro.
Tham khảo: Reuters
Nguồn: