Có 16 mã ngân hàng tăng giá, trong đó 2 mã tăng gần 4% là EIB (+3,9%) và VPB (+3,5%).
Trước đó, trong phiên 24/2, VPB và EIB cũng là 2 mã ngược dòng cùng tăng giá khi thị trường chìm trong biển lửa.
VPB cũng tiếp tục là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong nhóm VN30 với thanh khoản tăng mạnh. Trong hôm nay, gần 50 triệu cổ phiếu VPB đã được nhà đầu tư trao tay.
Công ty chứng khoán Yuanta cho biết, một trong những chất xúc tác quan trọng hỗ trợ cổ phiếu VPB là kỳ vọng ngân hàng này sẽ hoàn tất giao dịch bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm 2022. Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 10/2, ông Nguyễn Đức Vinh, CEO ngân hàng cũng cho biết việc bán vốn sẽ được thực hiện trong những tháng tới.
Về đối tác của VPBank, giới quan sát đã có nhiều dự đoán, khả năng sẽ là SMBC – nhà đầu tư đã mua 49% vốn của FE Credit trong năm ngoái. Đáng chú ý, SMBC vẫn đang là cổ đông lớn của EIB, và theo quy định phải thoái vốn khỏi ngân hàng này mới được tham gia vào VPB. Tuy chưa có thông báo rút vốn nhưng SMBC vừa qua đã chấm dứt thoả thuận liên minh với EIB.
Ngoài EIB, VPB, các cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo là TPB (+1,7%), HDB (+1,6%), VIB (+1,2%),…
HDB hôm nay là một trong những cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại mua ròng trở lại, khối lượng đạt 700.000 đơn vị. Theo chứng khoán Yuanta, HDBank được dự báo có tăng trưởng cao trong năm nay với tín dụng tăng khoảng 20%, lợi nhuận tăng 21%. Đáng chú ý, ngân hàng có tiềm năng sẽ thực hiện thương vụ bancassurance độc quyền mới.
Trước đó, trong phiên 24/2, thanh khoản của HDB tăng vọt lên 15 triệu cổ phiếu, do nhà đầu tư trong nước nhận sang tay cổ phiếu của khối ngoại hơn 8 triệu đơn vị với giá rẻ nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Liên quan đến cổ phiếu này, mới đây, ông Phạm Quốc Thanh – Tổng Giám đốc HDBank đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu HDB, dự kiến giao dịch từ 1/3/2022.
Cổ phiếu VIB được hỗ trợ nhờ một số thông tin tích cực gần đây. Nhà băng này đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ với kế hoạch lợi nhuận đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Tổng dư nợ tín dụng và Huy động vốn tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng; 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. Trong đó, mức tăng trưởng Tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2022, VIB đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, tăng 35,7%. Trong đó, ngân hàng dự kiến chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu mức 35% và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Ở chiều ngược lại có 5 mã giảm giá, tuy nhiên mức giảm nhẹ dưới 1%: BID (-0,1%), VCB (-0,2%), ACB (-0,3%), PGB (-0,3%), VBB (-0,6%). 4 mã đứng giá tham chiếu là KLB, CTG, BAB, VAB.
Những cổ phiếu dẫn đầu về khối lượng giao dịch khớp lệnh là VPB (hơn 49 triệu cp), STB (hơn 17,7 triệu cp), MBB (hơn 16,8 triệu cp),…
Về phương thức thoả thuận, đáng chú ý, MSB có 7,59 triệu cổ phiếu được trao tay theo phương thức này ở giá 25.000 đồng/cp, thấp hơn giá đóng cửa 26.900 đồng/cp. Trước đó, phiên 23/2 cũng có 6,53 triệu cổ phiếu MSB được giao dịch theo phương thức này.
Sau khi bán mạnh cổ phiếu ngân hàng hôm qua, khối ngoại đã trở lại mua ròng một số cổ phiếu trong phiên hôm nay. Trong đó, STB được mua ròng gần 2 triệu đơn vị, HDB 700.000 cổ phiếu.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng gần 500.000 cp VCB và hơn 3 triệu cp CTG,…
Nguồn: