Nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm
Tại cuộc họp mới đây với đại diện các ngân hàng thương mại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tính đến ngày 31/3/2020, tín dụng toàn nền kinh tế và hệ thống ngân hàng đạt mức tăng 1,3% so với đầu năm. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của quý I trong vòng 6 năm qua.
Trong khi đó, báo cáo tài chính (BCTC) mới công bố cho thấy, nhiều ngân hàng thậm chí còn ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm trong 3 tháng đầu năm.
Ngân hàng VietinBank là một ví dụ. BCTC hợp nhất quý I/2020 mới công bố cho thấy, tại thời điểm cuối tháng 3, tổng tài sản có của VietinBank ở mức 1,222 triệu tỷ đồng, giảm 1,46% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng giảm 1,25%, xuống còn 923 nghìn tỷ đồng.
Tiền gửi của khách hàng của ngân hàng cũng chỉ tăng trưởng nhẹ 0,33% so với đầu năm, ở mức gần 895,8 nghìn tỷ đồng.
Tương tự, tại MB, tổng tài sản của ngân hàng tính đến cuối tháng 3/2020 giảm 1,14%, xuống còn hơn 406,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng ở mức gần 248 nghìn tỷ đồng, giảm 0,94% so với đầu năm.
Tại Saigonbank, hoạt động cho vay đã giảm tới 2,3% trong 3 tháng đầu năm, còn 14,2 nghìn tỷ đồng.
Điều này đã khiến thu nhập lãi thuần trong kỳ của ngân hàng giảm 5% so với quý I/2019, còn 152 tỷ đồng.
Tương tự, BCTC quý I/2020 của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex – PGBank mới công bố cho thấy, tính đến cuối tháng 3/2020, tổng tài sản của ngân hàng ở mức gần 31,4 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 0,64% so với đầu năm.
Trong đó, cho vay khách hàng giảm 1,6%, còn 23,3 nghìn tỷ đồng. Cũng do tăng trưởng tín dụng âm nên lợi nhuận từ cho vay trong kỳ của ngân hàng cũng giảm 10%, xuống còn 193 tỷ đồng.
Trong khi đó, ở một số ngân hàng khác, dù tăng trưởng tín dụng dương nhưng tốc độ tăng trưởng khá khiêm tốn, chỉ ở mức trên dưới 2% như Vietcombank (2,69%), ACB (2,3%), LienVietPostBank (2,8%), VPBank (2,55%)…
Theo giới chuyên gia, mức tăng trưởng thấp của tín dụng cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 , phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh nên không có nhiều nhu cầu vay vốn, dòng tiền cho vay ra theo đó cũng bị "tắc".
Ở một hướng khác, tăng trưởng tín dụng chậm còn xuất phát từ việc các nhà băng đang trở nên thận trọng hơn khi giải ngân mới nhằm hạn chế rủi ro tín dụng trong tương lai.
Thanh khoản giảm, ngân hàng rút tiền gửi về
Như trên, hoạt động cho vay trên thị trường 1 của các nhà băng bị ảnh hưởng khá mạnh trong quý đầu tiên của năm. Dù vậy, đây không phải là khoản mục duy nhất trong tổng tài sản của nhà băng có biến động mạnh trong kỳ qua.
Bên cạnh hoạt động cho vay dân cư và các tổ chức kinh tế hay đầu tư trái phiếu, thì cho vay trên thị trường 2 (cho vay các tổ chức tín dụng khác) hay mang tiền đi gửi tiết kiệm tại ngân hàng khác cũng là những hoạt động nhằm khai thác tối đa hiệu quả đồng vốn của nhà băng.
Tùy thuộc cân đối vốn, tỷ lệ phần trăm tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác tại mỗi nhà băng sẽ khác nhau, dao động từ khoảng 3% đến trên dưới 20%/tổng tài sản.
Dù vậy, BCTC quý I/2020 cho thấy, đến cuối tháng 3, phần lớn nhà băng ghi nhận tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác giảm khá mạnh so với đầu năm. Điều này cho thấy thanh khoản của hệ thống đã không còn quá dồi dào.
Trong kỳ công bố này thị trường liên ngân hàng cũng chứng kiến đợt biến động mạnh và khác thường của lãi suất VND. Lãi suất VND trên thị trường này liên tục tăng cao, Ngân hàng Nhà nước phải liên tiếp bơm ròng lượng vốn lớn hỗ trợ.
Khảo sát của BizLIVE tại 17 ngân hàng đã công bố BCTC quý I/2020 cho thấy, có tới 12 ngân hàng giảm tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác, với mức giảm từ 20% đến 70% so với đầu năm.
Ngân hàng Vietcombank là một ví dụ. Tính đến cuối tháng 3/2020, tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác của nhà băng này ghi nhận ở mức 176,5 nghìn tỷ đồng, giảm tới 29,2% so với đầu năm. Tỷ lệ tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác/tổng tài sản theo đó cũng giảm mạnh từ 20,4% xuống còn 15,4%.
Tương tự, tại Techcombank, khoản mục này cũng giảm tới 35,4% so với đầu năm, xuống còn gần 31 nghìn tỷ đồng, chỉ còn chiếm 7,91% tổng tài sản, so với mức 12,51% hồi đầu năm.
Tại VPBank, tại thời điểm cuối tháng 3, ngân hàng chỉ dành 13,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,4% tổng tài sản cho vay và gửi tại các ngân hàng khác, giảm 33,7% so với mức hơn 20 nghìn tỷ đồng hồi đầu năm (tương đương 5,3% tổng tài sản).
Một loạt các ngân hàng khác cũng giảm mạnh khoản cho vay và tiền gửi tại các ngân hàng khác như NCB (giảm 72%), Saigonbank (giảm 37,6%), Sacombank (giảm 36,5%), SeABank (giảm 34,3%), LienVietPostBank (giảm 22,3%),…
Nguồn: