Việc thử nghiệm đồng Nhân dân tệ (NDT) điện tử của Trung Quốc, đồng EUR kỹ thuật số của châu Âu và đồng tiền kỹ thuật số của nhiều quốc gia khác được đánh giá là bước tiến mới trong chiến lược phát triển thanh toán không tiếp xúc. Động thái này thu hút sự quan tâm của dư luận và có thể mở ra hướng nghiên cứu cho Việt Nam về tiền kỹ thuật số trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Từ xu hướng phát hành…
Những năm gần đây, việc nghiên cứu, thử nghiệm phát hành đồng tiền kỹ thuật số trở thành xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Trung Quốc, đồng NDT điện tử do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) phát hành và đã tiến hành thử nghiệm từ đầu tháng 5/2020. Cho đến nay, PBOC phát hành 10 triệu NDT điện tử (tương đương 2 triệu USD) cho 50.000 người tiêu dùng được lựa chọn ngẫu nhiên.
Không chỉ ở Trung Quốc, từ ngày 12/10, NHTW châu Âu (ECB) đã khởi động quá trình tham vấn ý kiến của người dân về đồng EUR kỹ thuật số trong vòng 3 tháng. Sau đó, sẽ thực hiện một loạt thử nghiệm với đồng EUR kỹ thuật số trong 6 tháng tới.
Động thái này nhận được sự ủng hộ của nhiều nước châu Âu. Hiệp hội ngân hàng Italia (ABI) cho biết đã sẵn sàng để bắt đầu hỗ trợ cho việc triển khai đồng EUR kỹ thuật số từ ECB. Trước đó, cuối năm 2019, Pháp đã kêu gọi các dự án nhằm phát triển một đồng tiền số của EU từ năm 2020.
Tại Thụy Điển, vào tháng 2, NHTW nước này đã công bố khởi động một dự án thử nghiệm kéo dài 1 năm cho e-krona được đề xuất. NHTW Na Uy đã thành lập các nhóm làm việc để xem xét việc thiết kế một loại tiền kỹ thuật số quốc gia. Ngân hàng Norges cho biết đánh giá của họ đang bước vào “giai đoạn thứ ba”. Trong khi đó, nước Anh lại ưu tiên xây dựng đồng tiêng kỹ thuật số của riêng quốc gia hơn việc tham gia vào đồng tiền kỹ thuật số của EU.
Nhiều quốc gia châu Á cũng đang nghiên cứu và khởi động thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số. NHTW Hàn Quốc đã khởi động một chương trình thử nghiệm để đánh giá tiền kỹ thuật số của NHTW, mặc dù chưa có kế hoạch ngay lập tức cho việc ra mắt chính thức. NHTW Nhật Bản cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm vào năm 2021 về cách vận hành đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình.
NHTW Philippines (BSP) đã thành lập một ủy ban đặc trách để nghiên cứu tính khả thi, đánh giá tác động chính sách từ việc phát hành đồng nội tệ kĩ thuật số. Campuchia cũng có một cuộc thử nghiệm thí điểm của dự án, với các tổ chức tài chính tham gia để kiểm tra tính khả thi của cách tiếp cận và xác định các vấn đề tiềm ẩn trước khi chính thức triển khai.
Tại Trung Đông, Saudi Arabia đã và đang nghiên cứu tiềm năng của một loại tiền kỹ thuật số gọi là “Aber” có thể được sử dụng trong các cuộc thanh toán tài chính giữa nước nước này với Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan yêu cầu phải kết thúc việc phát triển tiền kỹ thuật số của nước này vào cuối năm 2020, như một phần trong lộ trình kinh tế 2019-2023 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngân hàng Dự trữ Nam Phi đã xem xét khả năng giới thiệu một loại tiền kỹ thuật số quốc gia, từ tháng 5/2019 đã yêu cầu các nhà cung cấp giải pháp tiềm năng, bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia một dự án khả thi cho một loại tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành. Chủ tịch NHTW Brazil cho biết, quốc gia này có thể sẵn sàng cho một loại tiền kỹ thuật số vào năm 2022.
Tuy nhiên, một số quốc gia đang thận trọng xem xét thử nghiệm và phát hành tiền kỹ thuật số như Mexico, Ấn Độ, Thụy Sĩ… NHTW Đức khuyến cáo EU nên kiềm chế việc tung ra đồng EUR kỹ thuật số. Một số quốc gia chưa ủng hộ thử nghiệm và phát hành tiền kỹ thuật số (Nga, Mỹ…).
Đến chính sách quản lý…
Các chuyên gia tài chính cho rằng, trong điều kiện đồng tiền kỹ thuật số phát triển, yêu cầu thay đổi trên góc độ quản lý sẽ đặt ra cấp thiết với các cơ quan quản lý tiền tệ quốc gia, chủ yếu là NHTW. Thay vì những quyết định “không công nhận”, các NHTW cần nghiên cứu, đánh giá để có thể quản lý tiền kỹ thuật số khi lưu hành rộng rãi.
Trước hết, trong điều kiện kinh tế phẳng, rất khó để một quốc gia đi ngược được xu hướng hay cấm hoàn toàn tiền kỹ thuật số. Do đó, cần thay đổi theo hướng tích cực, cởi mở, linh hoạt, chủ động trong ứng xử với tiền kỹ thuật số.
Hai là, nghiên cứu, phân biệt rõ ràng sự giống và khác nhau giữa tiền kỹ thuật số với tiền điện tử, tiền ảo, tiền mã hóa để có chính sách quản lý phù hợp. Đồng thời, đánh giá, dự báo được những lợi ích và rủi ro của tiền kỹ thuật số trong điều kiện của mỗi quốc gia.
Ba là, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, cần đáp ứng yêu cầu cao hơn về bảo mật thông tin và an ninh mạng; bảo đảm sự ổn định hệ thống tài chính, kiểm soát phòng ngừa rủi ro. Đối với các ngân hàng, NHTW có hệ thống các quy định chặt chẽ về an toàn hoạt động, quản trị rủi ro, tỷ lệ dữ trữ bắt buộc, bảo hiểm tiền gửi. Đối với các tổ chức phi ngân hàng, NHTW có các quy định về cấp phép, về giám sát, thực hiện ký quỹ tại hệ thống ngân hàng…
Bốn là, đặc điểm của tiền kỹ thuật số là không biên giới, vì vậy, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý, nghiên cứu phát hành tiền kỹ thuật số. Hiện tại, nhiều NHTW của các quốc gia đang phối kết hợp với NHTW Trung Quốc nghiên cứu, đánh giá, học tập kinh nghiệm. Nổi bật là nhóm các nước G20, EU, Nhật Bản, Anh, Thụy Điển và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần theo dõi, nghiên cứu, đánh giá tác động của đồng tiền kỹ thuật số để có thể xác định phương án xử lý và thái độ phù hợp. Sớm nghiên cứu, ban hành Chiến lược tổng thể về hệ thống thanh toán quốc gia; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hành lang pháp lý đối với các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số, Fintech, Mobile Money, cho vay ngang hàng (P2P lending)…
Đẩy mạnh chương trình giáo dục tài chính; phổ biến kiến thức về đồng tiền kỹ thuật số; thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán quốc gia, đảm bảo hiệu quả và hạn chế rủi ro cho các giao dịch thanh toán gắn với tiền kỹ thuật số.
Nguồn: