Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo thông tư về quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.
Nếu giữ nguyên nội dung dự thảo và ban hành, khác biệt lớn so với trước đây sẽ thể hiện.
Nước hút về một điểm
Theo dự thảo trên, Kho bạc Nhà nước là một thành viên tham gia hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng - kênh giao dịch do Ngân hàng Nhà nước quản lý và vận hành.
Kho bạc Nhà nước chỉ được mở các tài khoản (tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản chuyên thu tổng hợp, tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu) tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tham gia hệ thống thanh toán trên (bên cạnh điều kiện về an toàn hoạt động), qua đó dùng kết nối số hóa để dịch chuyển nguồn tiền hàng ngày.
Với kết nối đó, Kho bạc Nhà nước tổ chức điều hành số dư trên các tài khoản của mình tại ngân hàng theo các nguyên tắc quy định chi tiết. Điểm chung của các quy tắc này là vào cuối ngày, tất cả các tài khoản của Kho bạc Nhà nước tại các cấp, các địa phương kết chuyển về tài khoản tổng đặt tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Thay đổi lớn nằm ở các nguyên tắc trên so với trước đây.
Trước đây, khi hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng chưa kết nối mở rộng với các đầu mối khác, có thực tế nguồn của Kho bạc Nhà nước tại các cấp, các địa bàn dịch chuyển hạn chế, phân tán và đọng lại ở tài khoản mở ở ngân hàng thương mại.
Với cơ chế và các nguyên tắc trên, cùng sự thông suốt và kết nối toàn diện của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, việc dịch chuyển nguồn trở nên nhanh chóng, cùng cơ chế quản lý và giám sát hoặc điều chuyển trở nên chủ động hơn.
Theo đó, Kho bạc Nhà nước chủ động kết chuyển nguồn, chuyển thẳng về tài khoản ở Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước ngay trong ngày. Toàn bộ nguồn từ hàng trăm đến hàng nghìn điểm của tổ chức này, cũng như từ một số ngân hàng thương mại đều được rút về tài khoản tổng.
Giảm đòn bẩy, tăng chủ động điều hành
Điểm được chú ý trong quy định dịch chuyển nguồn trên là số tiền tại các tài khoản đó sẽ không đọng lại tại một số ngân hàng thương mại. Từ đây, những khác biệt so với trước tạo thay đổi cả về nguồn tiền, độ nhiễu liên quan và cả lợi ích.
Cụ thể, tiền không đọng lại một số ngân hàng thương mại, theo đó nó không trở thành nguồn lực riêng, đòn kê riêng cho một số nơi mà có thể không công bằng với các thành viên cùng tham gia thị trường.
Nguồn tiền đó cũng bị hạn chế về khả năng bị sử dụng làm đòn bẩy để tạo số nhân tiền tệ, đầu tư ở các kênh khác, như cho vay qua đêm, tham gia đầu tư giấy tờ có giá…
Những năm trước, nguồn vốn này từng được xác định quanh khoảng 20.000 tỷ đồng. Về con số tuyệt đối không lớn so với quy mô các dòng chảy lớn trong hệ thống ngân hàng, nhưng với số nhân tiền tệ, chúng có thể tạo độ nở lớn.
Độ nở đó càng lớn, việc điều hành chính sách tiền tệ càng thụ động. Khi thay đổi, nước rút về một điểm mà lại đặt ở Ngân hàng Nhà nước, nhà điều hành chính sách tiền tệ có thêm chủ động loại bỏ bớt độ nở đó, tăng chủ động trong giám sát nguồn tiền trong ngày, qua đó có ứng xử trong điết tiết hợp lý hơn về lượng.
Với những thay đổi và giá trị đó, đây được xem là cái bắt tay chặt và cần thiết giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, mà điểm gắn kết là hiện đại hóa công nghệ.
Chưa dừng lại đó, phát biểu tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương cuối tuần qua, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết, bên cạnh phối hợp với Bộ Tài Chính trong đó có hải quan, kho bạc để kết nối đến tận cấp huyện, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế kết nối với hệ thống các bệnh viện…
Tuy nhiên, còn có một bộ phận dòng tiền chưa thể kết chuyển như trên. Đó là tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại. Nguồn này khá lớn, phản ánh qua báo cáo tài chính của một số ngân hàng thương mại đầu năm nay.
Nguồn: