DongA Bank đã thu hồi hơn 17.000 tỷ đồng nợ xấu

08/01/2025
Ngân hàng Đông Á cho biết đã thu hồi 17.036 tỷ đồng nợ xấu tính từ khi bị kiểm soát đặc biệt, số còn lại khoảng 24.000 tỷ đồng.

Kết quả xử lý nợ xấu vừa được Ngân hàng Đông Á công bố trước thềm Đại hội cổ đông bất thường dự kiến tổ chức vào ngày 12/10. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á cho biết, nhờ số nợ xấu đã thu hồi trên, ngân hàng cải thiện được rất nhiều về chất lượng hoạt động, đảm bảo thanh khoản.

Hiện các tỷ lệ an toàn thanh khoản, khả năng chi trả tính đến 31/8/2019 của DongA Bank cao hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, huy động vốn từ khách hàng cũng tăng tốt. Tổng huy động vốn từ khách hàng đến ngày 31/8 đạt 62.286 tỷ đồng, tăng 1.432 tỷ đồng so với đầu năm 2019. Trong đó tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn và nguồn tiền gửi trung dài hạn tăng giúp Ngân hàng Đông Á đảm bảo được nguồn vốn để phát triển kinh doanh cũng như đáp ứng tỷ lệ nguồn vốn cho vay trung dài hạn theo quy định.

Giao dịch tại Ngân hàng Đông Á TP HCM. Ảnh: QH.

Giao dịch tại Ngân hàng Đông Á TP HCM. Ảnh: QH.

Dư nợ khách hàng cá nhân cũng phục hồi và chiếm tỷ trọng 43,5% trong tổng dư nợ. Nguồn thu từ dịch vụ luỹ kế trong 8 tháng đạt hơn 329 tỷ đồng, còn lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối lũy kế 8 tháng đầu năm đạt trên 57 tỷ đồng.

Ngân hàng Đông Á sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 12/10. Ngoài phương án chào bán cổ phần để bổ sung vốn điều lệ cũng sẽ công bố báo cáo đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị thực của vốn điều lệ tính đến cuối năm 2018.

Theo tờ trình về phương án chào bán cổ phần nhằm bổ sung vốn điều lệ, Ngân hàng Đông Á cho biết, theo số liệu đã kiểm toán của Ernst & Young tại thời điểm 31/12/2018, nhà băng lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu. Do đó để bù đắp vốn chủ sở hữu, đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ đạt mức tối thiểu theo quy định là 3.000 tỷ đồng, nhà băng phải bổ sung vốn điều lệ theo phương án chào bán cổ phần (phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành riêng lẻ).

Tuy nhiên, DongA Bank không thể phát hành cổ phiếu ra công chúng vì không đáp ứng điều kiện chào bán khi đang lỗ lũy kế. Vì vậy, phát hành cổ phần riêng lẻ là lựa chọn duy nhất của ngân hàng.

Theo đó, ngân hàng chỉ được phép chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp). Trước khi phát hành, vốn điều lệ về mặt sổ sách của ngân hàng là 5.000 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ chào bán đủ lượng cổ phần để đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng, ưu tiên phát hành cho cổ đông hiện hữu.

Nếu như đại hội lần tới không thông qua phương án chào bán cổ phần, hoặc việc chào bán được thông qua nhưng các nhà đầu tư không mua đủ số lượng, ngân hàng phải xem xét tái cơ cấu theo phương án khác.

Ngân hàng Đông Á được thành lập đầu thập niên 90 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, tiền thân là các công ty trực thuộc ban Tài chính của UBND TP HCM và quận Phú Nhuận. Khi đó định hướng chính vào việc phát triển lĩnh vực bán lẻ, lấy nền tảng khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương...

Qua 2 thập kỷ, DongA Bank đã nâng quy mô vốn lên khoảng 5.000 tỷ đồng, trở thành một trong những nhà băng đi đầu về bán lẻ và áp dụng công nghệ thông tin. Tính đến năm 2015, nhà băng này có khoảng 7 triệu khách hàng - con số đáng kể so với những ngân hàng cùng quy mô.

Tuy nhiên, DongA Bank bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 8/2015 sau khi kết quả thanh tra cho thấy, trong giai đoạn 2012 trở về trước, nhà băng có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động của Đông Á.

Lệ Chi

Nguồn: