Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) vừa công bố tài liệu cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2019. Ngày chốt danh sách cổ đông là 26/9/2019. Cuộc họp dự kiến tổ chức vào ngày 12/10/2019.
Theo DongA Bank, sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, ngân hàng đã thuê Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY) đánh giá thực trạng tài chính và xác định giá trị thực của vốn điều lệ, các quỹ dự trữ tại thời điểm 31/12/2018.
Theo số liệu đã kiểm toán của EY, đến hết năm 2018, DongA Bank đang lỗ lũy kế, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm. Do đó, để bù đắp âm vốn chủ sở hữu, đảm bảo ngân hàng có giá trị thực vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đồng (mức vốn điều lệ tối thiểu theo pháp định), ngân hàng này phải thực hiện bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo đáp ứng quy định của pháp luật.
Ban lãnh đạo công ty cho biết dựa vào tình hình hoạt động của ngân hàng hiện nay, DongA Bank có thể thực hiện tăng vốn điều lệ từ nguồn phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành riêng lẻ.
Tuy nhiên, với điều kiện hiện tại, ngân hàng không thể thực hiện phát hành ra công chúng cho cổ đông hiện nay vì không đáp ứng các điều kiện chào bán. Đặc biệt là quy định hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.
Vì vậy, DongA Bank chỉ có thể chọn hình thức phát hành còn lại là chào bán cổ phần riêng lẻ.
Theo đánh giá, hình thức này có ưu điểm là không yêu cầu tổ chức phát hành đáp ứng các điều kiện về hoạt động kinh doanh có lãi, không có lỗ lũy kế ở năm liền trước năm chào bán nhu phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Tuy nhiên, phát hành theo hình thức này, tổ chức phát hành chỉ chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp), không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc internet.
Ngoài ra, nhà đầu tư mua cổ phần của đợt chào bán riêng lẻ còn bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm. Dù vậy, đây là sự lựa chọn duy nhất của DongA Bank hiện nay nên HĐQT ngân hàng vẫn lựa chọn hình thức này để tăng vốn.
Công bố kế hoạch tăng vốn để bù đắp tối thiểu vốn điều lệ về mức 3.000 tỷ đồng, tuy nhiên ban lãnh đạo DongA Bank không tiết lộ số dự kiến phải tăng thêm thực tế.
Trong đợt chào bán sắp tới, ngân hàng sẽ ưu tiên chào bán cho cổ đông hiện hữu, ngoài ra sẽ phát hành cho nhà đầu tư bên ngoài đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Thời gian dự kiến chào bán sẽ được thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phần này sẽ được dùng để bù đắp việc âm vốn điều lệ của ngân hàng.
Đây là lần đầu tiên DongA Bank tổ chức họp ĐHĐCĐ sau 4 năm kể từ khi bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt tháng 7/2015.
Sau khi bị đưa vào diện kiểm soát, toàn bộ cổ đông ngân hàng không được chuyển nhượng cổ phần của DongABank.
Trong trường hợp đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét việc chuyển nhượng cổ phần trên cơ sở đề xuất của Ban Kiểm soát đặc biệt. Ngân hàng cũng đã hoàn trả tiền các cổ đông đã nộp trong đợt ngân hàng tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.
Suốt 4 năm qua, DongA Bank không công bố báo cáo tài chính, Ngân hàng chỉ công bố tình hình hoạt động ở một vài thời kỳ. Đến nay, DongA Bank đã đi qua nửa chặng đường của năm 2019.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, tổng huy động vốn từ khách hàng đạt 63.450 tỷ đồng, tăng 2.595 tỷ đồng tương ứng tăng 4,3% so với đầu năm 2019; tăng 1.730 tỷ đồng tương ứng tăng 3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng đạt 50.903 tỷ đồng, tương ứng tăng 4,8% so đầu năm 2019.
Thu nhập từ dịch vụ đạt 247 tỷ đồng, xấp xỉ so cùng kỳ; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 16 tỷ đồng, tương ứng tăng 40% so cùng kỳ, lợi nhuận từ các hoạt động kiều hối tiếp tục đạt kết quả cao làm góp phần đa dạng hóa nguồn thu của DongA Bank.
Nguồn: