Dự báo của chuyên gia: Vàng, chứng khoán, lãi suất trong năm 2020 ra sao?

12/01/2025
Giá vàng tăng, chứng khoán cần tăng cung bằng cổ phần hóa và thoái vốn... là những nhận định được chuyên gia đề cập.

Dự báo về thị trường tài chính Việt Nam năm 2020 được TS. Bùi Quang Tín đưa ra tại Hội thảo Cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản do báo Thương gia và CTCK KIS VN tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM.

Giá vàng có thể tăng khoảng 30%

Về thị trường vàng, TS. Bùi Quang Tín nêu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất cơ bản, xuống mức mục tiêu từ 1,75% đến 2% trong tháng 9 vừa qua. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục (-0,5%) và đưa ra một chương trình mua trái phiếu lớn trong cùng tháng. Tại Nhật Bản, khi mục tiêu lãi suất ngắn hạn đã nằm trong vùng tiêu cực, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản lại báo hiệu cơ hội tiếp tục nới lỏng lãi suất trong thời gian tới...

“Trong điều kiện đó, vàng tiếp tục là một loại tiền tệ thay thế hoàn hảo do tính ổn định và việc sử hữu loại tiền tệ này không gây mất mát bất cứ thứ gì, đặc biệt là khi so sánh với việc gửi tiền nhưng gặp phải lãi suất âm tại nhiều quốc gia trên thế giới”, ông Tín nói tại hội thảo.

Theo chuyên gia này, giá vàng có thể tăng khoảng 30%, lên mức 2.000 USD (46,2 triệu VND/ounce) vào năm tới. Giá vàng giao dịch hiện đang ở mức khoảng 1.500 USD (gần 35 triệu VND)/ounce.

Điều kiện tiên quyết để chứng khoán đạt 100% GDP?

Với thị trường chứng khoán, hiện tại, vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức khoảng 4.548 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 195 tỷ USD. Trong thời gian tới, để tăng vốn hóa thị trường thì có hai cấu phần là giá tăng và số lượng công ty niêm yết tăng.

Dựa theo giả định kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% và lạm phát quanh ngưỡng 4% theo mục tiêu của Chính phủ trong năm 2020, vốn hóa thị trường cần tăng 35% trong năm 2020 để đạt 100% GDP.

Tuy nhiên, ông Tín cho biết, nhìn lại lịch sử thì việc thị trường đạt được mức tăng 35% trong một năm là rất khó xảy ra. Từ năm 2010 đến nay, chỉ có một lần duy nhất VN-Index đạt mức tăng trên 35%, đó là năm 2017 với mức tăng 48%. Về mức tăng trưởng vượt bậc này, nguyên nhân là do trong năm 2017, hàng loạt doanh nghiệp niêm yết mới như VJC, HVN, PLX, VPB, VRE. Ngoài ra còn có các thương vụ thoái vốn lớn như VNM và SAB…

Từ đó, chuyên gia này nhận định việc tăng cung bằng cổ phần hóa và thoái vốn là điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu vốn hóa thị trường đạt 100% GDP.

Năm 2020 là năm cuối trong kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn của Chính phủ với hàng loạt doanh nghiệp lớn nằm trong danh sách thoái vốn và cổ phần hóa như Agribank, Vinachem, Mobifone, Viecm, Genco 1, Genco 2… Ước tính tổng vốn hóa của các doanh nghiệp lớn này ở mức khoảng 8 tỷ USD.

Việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp này sẽ giúp tăng đáng kể vốn hóa cho thị trường chứng khoán Việt Nam và đạt được mốc 100% GDP trong năm 2020. Thực tế cũng đã cho thấy, phần lớn doanh nghiệp nhà nước đều có kết quả kinh doanh tích cực sau khi IPO.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, dù mục tiêu đạt được 100% GDP trong năm 2020 là một dấu mốc quan trọng, song thị trường vẫn cần phát triển ổn định và bền vững hơn. Bởi thực tế cho thấy, sau khi đạt mức tăng trưởng mạnh trong năm 2017, thị trường chứng khoán đã nhanh chóng sụt giảm trong năm 2018.

“Để không lặp lại diễn biến này, thị trường chứng khoán Việt cần cải thiện nhiều yếu tố để có sự phát triển ổn định và bền vững. Theo đó, hiện tỷ lệ khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng so với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường và vòng quay cổ phiếu đều chỉ ở mức trung bình so với các thị trường trong khu vực, khiến cho thị trường trở nên kém hấp dẫn”, ông Tín cho biết.

Hơn nữa, chuyên gia này nêu, hơn 70% giá trị giao dịch đến từ nhà đầu tư cá nhân, những người có xu hướng đầu tư ngắn hạn. Do đó, khi thị trường giảm mạnh sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Ngoài ra, mặc dù số lượng tài khoản chứng khoán tiếp tục tăng nhưng chỉ đạt khoảng 2,4% dân số Việt Nam.

Cải thiện được những điều này, thị trường sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, từ đó gián tiếp tác động tới sự tăng trưởng của chỉ số. Bên cạnh đó, thị trường tốt thì mới tạo động lực cho các doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên niêm yết và giao dịch.

Lãi suất cuối năm nay khó giảm, kỳ vọng sẽ giảm năm sau

Về lãi suất, sau động thái giảm lãi suất USD lần thứ 3 trong năm 2019 của Fed, lãi suất VND tại một số ngân hàng đã giảm nhẹ. Điều này được kỳ vọng sẽ kéo giảm lãi suất cho vay giảm thời gian tới.

Việc Fed liên tục cắt giảm lãi suất thời gian qua đã tác động tích cực lên thị trường ngoại hối, cũng như giảm bớt áp lực tỷ giá tiền đồng, kể cả mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. NHNN cũng hạn chế dần cho vay ngoại tệ và hướng chuyển sang quan hệ "mua - bán", thay vì quan hệ "vay - mượn" như trước.

Việc tỷ giá được điều hành linh hoạt cũng đã phần nào tác động tích cực lên lãi suất tiền đồng trong bối cảnh các ngân hàng cạnh tranh huy động khốc liệt. Do đó, đợt giảm lãi suất lần này của Fed được xem là thêm phần hỗ trợ cho lãi suất tiền đồng.

Thực tế, mặc dù còn khó khăn trong việc tiết giảm chi phí đầu vào do phải tăng huy động kỳ hạn dài ngày để tái cơ cấu nguồn vốn, đáp ứng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn tại Thông tư 19 của NHNN, song nhiều ngân hàng bắt đầu tung ra nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi để hút khách hàng cuối năm.

Thêm vào đó, NHNN giảm thêm lãi suất tín phiếu lần thứ ba, hiện ở mức 2,25%/năm - cũng là điều kiện để các ngân hàng giảm thêm lãi suất, kích cầu tín dụng trong thời gian tới. Khi chi phí đầu vào giảm, doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất đầu ra cũng sẽ giảm theo.

“Khả năng việc giảm lãi suất huy động trong quý IV/2019 là khá thấp do tính chất mùa vụ, nhưng khả năng sẽ giảm trong năm 2020”, ông Tín nhận định.

Nguồn: