Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research công bố ước tính lợi nhuận của 9 ngân hàng trong quý II và nửa đầu năm. Một số nhà băng được dự báo tăng trưởng cao trong quý II có thể điểm tới như MSB tăng 141%, Techcombank, ACB và VIB 58%, BIDV, tăng 51%, HDBank 45%...
ACB ( HoSE: ACB ): Lợi nhuận trước thuế quý II được dự báo tăng 58% so với cùng kỳ năm trước nhờ tín dụng tăng 19-20% so với cùng kỳ và tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) nới rộng so với cùng kỳ. Hoạt động bancassurance vẫn phát triển mạnh, với mức phí bảo hiểm tương đương hàng năm (APE) thuộc top 3 trên thị trường.
HDBank ( HoSE: HDB ): Mặc dù tăng trưởng tín dụng so với đầu năm dự kiến chậm hơn so với các ngân hàng khác do hạn mức tín dụng được cấp ban đầu thấp hơn, nhưng tăng trưởng so với cùng kỳ tương đối đáng kể, khoảng 19%, giúp tăng trưởng thu nhập lãi thuần ổn định ở mức 19-20% so với cùng kỳ. Trong khi đó, thu nhập từ phí tăng mạnh do HDBank đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bancassurance kể từ quý IV/2020. SSI Research kỳ vọng thu nhập phí ròng sẽ tăng gấp đôi so với quý trước và tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ. Do đó, lợi nhuận trước thuế quý II dự kiến đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 45%.
MB ( HoSE: MBB ): SSI Research kỳ vọng lợi nhuận trước thuế trong quý II sẽ đạt 4.000 tỷ đồng đến 4.500 tỷ đồng, tăng 37-50% so với cùng kỳ do tăng trưởng tín dụng và tiền gửi của ngân hàng mẹ tính đến hết tháng 5 đạt mức tăng lần lượt là 10% và 6% so với đầu năm 2021. Trong khi đó, nợ xấu được kiểm soát (dưới 1% tại ngân hàng mẹ) và NIM tiếp tục tăng.
MB được dự báo tăng lợi nhuận 37-50% trong quý II. Ảnh: MB.
MSB ( HoSE: MSB ): Lợi nhuận trước thuế quý II ước đạt 1.650 tỷ đồng, tăng 141% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, lãi trước thuế đạt 2.800 tỷ đồng, cao hơn 187% so với cùng kỳ. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ 10,5% so với đầu năm, cũng như NIM được cải thiện do lãi suất huy động thấp và nguồn tiền bổ sung từ phí trả trước của thỏa thuận bancassurance độc quyền được ký kết gần đây với Prudential. Thu nhập quý II bao gồm khoảng 500 tỷ đồng phí trả trước bancassurance.
Techcombank ( HoSE: TCB ): SSI Research kỳ vọng Techcombank có thể đạt 5.700 tỷ đồng lãi trước thuế trong quý II, tăng 58% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 12% so với đầu năm. Lãi suất huy động thị trường đã giảm xuống mức thấp kể từ quý III năm ngoái và vẫn duy trì ở mức thấp kể từ đó. Tuy nhiên trong môi trường này, Techcombank đã tỏa sáng nhờ những lợi thế đáng kể thông qua lượng tiền gửi không kỳ hạn CASA phong phú, khả năng cung cấp nguồn vốn chi phí thấp và đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cho các nhà đầu tư đại chúng, giúp cải thiện NIM và thu nhập từ phí.
VIB ( HoSE: VIB ): Tín dụng và tiền gửi từ khách hàng dự kiến tăng 8,3% và 11% so với đầu năm vào cuối tháng 6 năm 2021. Nợ xấu giảm xuống 1,2% vào cuối quý II so với 1,73% vào cuối quý I. Mặc dù tăng trưởng tiền gửi nhanh hơn tăng trưởng tín dụng, NIM không chịu gánh nặng do phần lớn tiền gửi của khách hàng mới là ngắn hạn (dưới 6 tháng). Theo đó, SSI Research ước tính lãi trước thuế quý II đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ.
VPBank ( HoSE: VPB ): Kết quả của ngân hàng mẹ và FE Credit trong quý này sẽ là một bức tranh tương phản. Ngân hàng mẹ có thể đạt lợi nhuận trước thuế cao từ 3,5 đến 4 nghìn tỷ đồng (tăng từ 66% đến 90% so với cùng kỳ). Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế dự kiến sẽ giảm sâu đối với FE Credit do gánh nặng trích lập dự phòng lớn. Trên cơ sở hợp nhất, VPBank vẫn có thể đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 4.500 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ.
BIDV ( HoSE: BID ): SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế quý II đạt 3.850 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng 7% so với đầu năm (cao hơn mức 2,35% trong 6 tháng đầu năm 2020) và NIM nới rộng so với cùng kỳ.
Vietcombank ( HoSE: VCB ): SSI Research ước tính lãi trước thuế quý II đạt 6.400 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng khoảng 8,6% và tăng trưởng tiền gửi tăng không đáng kể so với đầu năm. NIM trong quý II tiếp tục cải thiện lên xấp xỉ 3,3% so với 3,16% trong quý I. Hệ số CIR ước tính là 33,5%, trong khi nợ xấu vẫn dưới 1% và chi phí tín dụng giảm so với quý trước. Tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức gần 5% so với đầu năm.
Nguồn: