Đưa tiền ảo, tài sản ảo vào Luật Phòng chống rửa tiền

15/12/2024
Việc hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, giám sát đối với các loại tài sản ảo, tiền tiền ảo nói chung và quy định pháp lý về phòng, chống rửa tiền nói riêng là yêu cầu cấp thiết, nhằm giảm thiểu rủi ro và ngăn ngừa hoạt động tội phạm.

Luật Phòng, chống rửa tiền (Luật PCRT) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2013. Sau gần 10 năm triển khai, cùng với sự thay đổi của điều kiện môi trường xã hội, sự phát triển kinh tế, đặc biệt là khoa học công nghệ, Luật PCRT bắt đầu bộc lộ không ít hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của thị trường tài chính, tiền tệ; đặc biệt là chưa hoàn toàn đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế về PCRT. Với vai trò đầu mối, NHNN Việt Nam đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất đưa vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội.

Đưa tiền ảo, tài sản ảo vào Luật Phòng chống rửa tiền - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Các nhóm đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật PCRT hiện hành, gồm: 1- Tổ chức tài chính (FI); 2 - Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan (DNFBPs); 3- Tổ chức, cá nhân Việt Nam; người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có giao dịch tài chính, giao dịch tài sản khác với FI, DNFPBs; Và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến PCRT. Trong bốn nhóm này, có hai nhóm đối tượng được quy định là "đối tượng báo cáo" là FIs và DNFBPs.

Theo NHNN, hiện có một số lĩnh vực ngành nghề có rủi ro rửa tiền chưa được đưa vào làm đối tượng báo cáo để triển khai nghĩa vụ PCRT đã làm giảm hiệu quả của công tác PCRT. Do đó, một trong những mục tiêu lớn nhất trong lần sửa đổi Luật PCRT lần này là mở rộng "đối tượng báo cáo". Bởi, về cơ bản, đối tượng báo cáo áp dụng các biện pháp PCRT, thực hiện nghĩa vụ báo cáo, cung cấp, lưu giữ thông tin theo quy định của Luật PCRT. Các đối tượng báo cáo đóng vai trò như người "người gác cổng" với trách nhiệm báo cáo NHNN khi nghi ngờ, hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền. Do đó, đối tượng báo cáo có vai trò quan trọng trong việc triển khai có hiệu quả công tác PCRT.

Theo Cục Phòng, chống rửa tiền (NHNN), hiện một số tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực có nhiều rủi ro rửa tiền nhưng chưa được đưa vào đối tượng báo cáo trong Luật PCRT như: Các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tài sản ảo; Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cho vay trực tuyến (cho vay ngang hàng); Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cầm đồ… Việc bổ sung các tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp các loại hình dịch vụ tiềm ẩn rủi ro rửa tiền nói trên vào đối tượng báo cáo và chịu sự điều chỉnh của Luật PCRT là đòi hỏi tất yếu của thực tiễn. Đơn cử, với đối tượng là các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tài sản ảo.

Tiền ảo, tài sản ảo với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu đã trở thành kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng rửa tiền, tài trợ khủng bố. Tội phạm có thể dễ dàng chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những hoạt động bất hợp pháp thành tiền "sạch" hoặc chuyển các khoản tài trợ cho khủng bố thông qua việc mua bán, trao đổi đồng tiền ảo ở các quốc gia khác nhau. Như nhiều quốc gia trên thế giới, tại Việt Nam hiện hoạt động kinh doanh, giao dịch mua bán tiền ảo, tài sản ảo diễn ra sôi động; trong khi đó hệ thống pháp luật của chúng ta chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo.

Cho đến thời điểm này mới chỉ có Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo; và theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối đang tiến hành nghiên cứu để đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Bộ này cũng đang nghiên cứu đề tài "Xây dựng khuôn khổ pháp lý quản lý tài sản mã hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam". Mới đây nhất, theo Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Chính phủ phê duyệt, trong giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách có nêu vấn đề: Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.

Từ thực tế trên có thể thấy việc hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, giám sát đối với các loại tài sản ảo, tiền tiền ảo nói chung và quy định pháp lý về PCRT nói riêng là yêu cầu cấp thiết, nhằm giảm thiểu rủi ro và ngăn ngừa hoạt động tội phạm. Tuy nhiên, theo Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố quốc tế (FATF) các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) có thể thuộc nhiều lĩnh vực như: ngân hàng, chứng khoán, tổ chức chấp nhận, quản lý tài sản ảo, các tổ chức cung ứng nền tảng công nghệ thông tin liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo… Bên cạnh đó, vấn đề tiền ảo, tài sản ảo hiện vẫn khá mới mẻ và nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang trong quá trình nghiên cứu. Do đó, chuyên gia nhận định: việc mở rộng đối tượng báo cáo là tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tiền ảo, tài sản ảo là cần thiết. Song vấn đề này liên quan đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề nên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động cũng như hiệu quả khi các hoạt động liên quan tiền ảo, tài sản ảo được luật hóa.

Nguồn: