Đừng quên ngân hàng cũng là một doanh nghiệp

22/11/2024
Trong khó khăn chung của dịch bệnh, ngân hàng luôn sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của mình. Tuy nhiên, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, không nằm ngoài ảnh hưởng của đại dịch. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần một cơ chế đặc biệt và sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của chính sách tài khóa để cùng ngân hàng "tiếp sức" doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Ngân hàng đối mặt với không ít thách thức

Xác định mối quan hệ "cộng sinh" với doanh nghiệp, trong gần 2 năm đại dịch diễn ra, bên cạnh việc nỗ lực đổi mới dịch vụ, đẩy mạnh kinh doanh, các nhà băng cũng không ngừng triển khai giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.

Tính đến ngày 31/8/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/1/2020 là khoảng 520.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 15/7 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.

Đừng quên ngân hàng cũng là một doanh nghiệp - Ảnh 1.
Ngành Ngân hàng đã có nhiều giải pháp kịp thời, thiết thực để hỗ trợ nền kinh tế. Ảnh: ST

Những hỗ trợ thiết thực từ phía ngân hàng đã giúp doanh nghiệp phần nào giảm bớt được khó khăn, có dòng vốn tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, vì dùng chính nguồn lực của mình để hỗ trợ doanh nghiệp, thực tế ngân hàng cũng gặp không ít thách thức.

Cụ thể, đợt dịch lần thứ tư vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, theo thống kê mới nhất, trong 9 tháng qua có hơn 90 nghìn doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường. Số doanh nghiệp còn hoạt động cũng đang đối mặt với thực trạng khó khăn, sản xuất đình trệ, doanh thu sụt giảm. Điều này làm tiềm ẩn rủi ro về nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định, trong tương lai, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm đáng kể vì đại dịch đang gây khó khăn cho cả những khoản nợ nhóm 1 - là những khoản ngân hàng được phép tính dự thu trong thu nhập, và nếu không thu được thì vẫn phải thoái thu. Bên cạnh đó, trước mắt năm 2021, các TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro tối thiểu 30%, đây cũng là một áp lực lớn.

Cùng với đó, khả năng huy động vốn cũng có chiều hướng giảm do lượng tiền gửi của dân cư giảm.

Chính vì vậy, theo ông Hùng, khi cả ngân hàng và doanh nghiệp đều đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các chính sách cần những bước đi thận trọng. Nguồn lực của các TCTD hiện nay cũng rất khó khăn, dư địa để hỗ trợ doanh nghiệp gần như cạn kiệt.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chính sách tín dụng rất có ý nghĩa với doanh nghiệp. Việc được giảm phí, lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đã giúp giảm nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp, tạo nguồn tiền cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, cần thừa nhận rằng bản thân mỗi ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Ngân hàng cũng có nhu cầu cho vay nhưng phải tin cậy, phải thu hồi được nợ để hoạt động một cách bền vững. NHNN với vai trò điều hành chính sách tiền tệ, vừa phải tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhưng cũng cần đảm bảo sự an toàn của hệ thống ngân hàng.

Thực tế cho thấy, NHNN đang duy trì rất tốt sự cân bằng này. Điều quan trọng là vẫn phải đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng - "huyết mạch" của nền kinh tế, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Cần cơ chế đặc biệt

Theo các chuyên gia, tài chính được ví như "mạch máu" duy trì sự sống của doanh nghiệp, chính vì vậy, thiếu vốn là một trong những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt lúc này.

Trước thực trạng đó, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu Bộ Tài chính, NHNN phải sớm nghiên cứu, trình Quốc hội gói tín dụng hỗ trợ lãi suất trong kỳ họp tháng 10. Theo đó, ngân sách nhà nước dự định chi 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho người dân, doanh nghiệp, tương đương gói tín dụng 100.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn để doanh nghiệp chạm được tới gói tín dụng ưu đãi này. Bởi lẽ, theo như Luật các TCTD, doanh nghiệp muốn vay vốn phải không có nợ xấu, có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, đại dịch đã khiến cho hàng loạt doanh nghiệp lỗ lũy kế đang chờ đợi nguồn vốn ưu đãi.

Các chuyên gia cho rằng trong hoàn cảnh đặc biệt, cần có cơ chế đặc biệt để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách. Đơn cử như trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, Chính phủ đã có Nghị định 55/2015/NĐ-CP (sau này là Nghị định 116/2018/NĐ-CP), trong đó có quy định trường hợp khoanh nợ khi có thiên tai dịch bệnh. Với trường hợp doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, cũng nên có những chính sách đặc biệt, riêng có.

Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ chính sách tài khóa, như đẩy mạnh bảo lãnh để doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn vay. Chính phủ cũng có thể xem xét phát hành trái phiếu, vay của ngân hàng trung ương như các nước đang làm chứ không chỉ dùng chính sách tiền tệ. Vai trò của các Quỹ bảo lãnh tín dụng cũng cần được nâng cao. Cùng với đó là sự đồng bộ của các chính sách hỗ trợ, để chung tay cùng hệ thống ngân hàng tiếp sức doanh nghiệp, người dân vượt qua đại dịch.

Nguồn: