Sau khi Mỹ và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt lên hệ thống tài chính nước Nga với các biện pháp như phong tỏa tài sản của Nga ở nước ngoài, loại nước này ra khỏi hệ thống SWIFT,… Người dân Nga đã có tâm lý lo lắng về việc đồng Rúp có thể mất giá, từ đó dẫn đến việc ồ ạt rút tiền tại các ngân hàng nước này.
Dù Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã hỗ trợ lượng thanh khoản gần 70 tỷ USD cho các ngân hàng thông qua 2 hợp đồng repo vào ngày 01/03, nhưng thanh khoản các ngân hàng vẫn trong trạng thái căng thẳng.
Theo thông báo từ CBR vào ngày 02/03, mức thiếu hụt thanh khoản trong hệ thống ngân hàng nước này đã tăng từ 5.400 tỷ Rúp lên 6.900 tỷ Rúp (tương đương với khoảng 68,25 tỷ USD). Thông báo trên được đưa ra sau khi nước này chứng kiến cảnh người dân đổ xô đến các ngân hàng để rút tiền.
Ngân hàng Trung ương Nga cho cũng cho biết hiện đang có kế hoạch bơm thêm 6.000 tỷ Rúp (~51,27 tỷ USD) qua các hợp đồng repo và đấu thầu các giấy tờ có giá vào ngày 03/03 và 04/03 để hỗ trợ thanh khoản.
Cũng theo số liệu CBR công bố, trong ngày 02/03, các ngân hàng trong hệ thống đã vay khoảng 9,6 nghìn tỷ Rúp từ ngân hàng trung ương, tăng gần 1,4 nghìn tỷ Rúp so với ngày 01/03.
Trong một động thái khác, mới đây, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất từ 9,5% lên 20% nhằm bảo vệ đồng Rúp và ổn định hệ thống tài chính.
Liên quan tới tình hình tại Nga, chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Minh Nghĩa 1 du học sinh Việt Nam tại Nga cho chúng tôi biết, anh không quá lo ngại về vấn đề người dân ồ ạt rút tiền và ngân hàng bị thiếu hụt thanh khoản. "Các ngân hàng tôi đang sử dụng vẫn hoạt động tốt, vẫn có thể thực hiện các giao dịch trên đất Nga."
Khi đề cập đến vấn đề đồng Rúp bị rớt giá, anh này nói, đồng rúp rớt giá có thể dẫn đến việc vật giá leo thang, qua đó làm chi phí sinh hoạt của người dân đắt đỏ hơn. Hiện nhiều người dân Nga cố gắng tích trữ nhiều USD để giảm bớt thiệt hại do nội tệ mất giá.
Hiện nay, bên cạnh giải quyết vấn đề Ukraine, một vấn đề khác không kém phần quan trọng mà Nga cũng cần quan tâm đó là ổn định hệ thống tài chính, đặc biệt là hệ thống ngân hàng, vì hơn 90% các định chế tài chính của Nga là ngân hàng và các nhà băng đang nắm giữ một lượng tài sản gần bằng 90% GDP của nước này.
(Tham khảo Reuters)
https://cafef.vn/duoc-bom-hang-tram-ty-usd-cac-ngan-hang-nga-van-khat-thanh-khoan-do-nguoi-dan-rut-tien-o-at-20220304191734149.chnNguồn: