Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 28/4/2022.
Đáng chú ý, tại cuộc họp, ngân hàng sẽ lại trình cổ đông thông qua chủ trương đầu tư xây dựng trụ sở Eximbank tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh.
Được biết, lô đất tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm có diện tích 3.513,7m2, ở vị trí đắc địa, nằm ở khu vực sầm uất bậc nhất trung tâm Quận 1. Cách đây hơn một thập kỷ, Eximbank đã mua lại lô đất từ Văn phòng Thành uỷ TP.HCM với tổng giá trị gần 240 tỷ đồng.
Ngân hàng cho biết, lô đất này trước đây đã được UBND TP.HCM chấp thuận cho điều chỉnh quy hoạch với chức năng hỗn hợp: Văn phòng – Khách sạn – Căn hộ, cao 40 tầng và hệ số sử dụng đất là 15 lần vào tháng 7/2011. Tuy nhiên, các giấy tờ pháp lý về quy hoạch hiện nay không còn giá trị hiệu lực theo các quy định hiện hành. Việc đầu tư toà nhà với chức năng hỗn hợp Văn Phòng – Khách sạn – Căn hộ không còn phù hợp với nhu cầu đầu tư và giấy phép hoạt động của Eximbank.
Hiện Eximbank chưa có Trụ sở chính để ổn định hoạt động dẫn đến rất khó khăn trong công tác xây dựng hình ảnh, nâng tầm thương hiệu (hiện phải đi thuê trụ sở tại Vincom Center). Ngân hàng đang phải bỏ ra số tiền lớn cho chi phí thuê trụ sở với số tiền 31,1 tỷ đồng/năm nhưng luôn bị giới hạn về diện tích, không gian cho hoạt động kinh doanh và điều hành ngân hàng.
Ban lãnh đạo cho rằng, khu đất tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm có giá trị cao về mọi mặt, tuy nhiên đang để lãng phí và không phát huy được hiệu quả của giá trị lô đất.
Do đó, HĐQT Eximbank đề xuất ĐHĐCĐ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Toà nhà Eximbank để làm Trụ sở chính. Nguồn vốn đầu tư bằng 100% nguồn vốn tự có của ngân hàng.
Được biết, dự án toà nhà trụ sở Eximbank đã có kế hoạch từ năm 2011, nhưng sau nhiều lần thay đổi và kiến nghị, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.
Cụ thể, năm 2011, HĐQT Eximbank đã ban hành Nghị quyết về việc triển khai xây dựng cao ốc tại khu "đất vàng" này và năm 2013 đã phê duyệt báo cáo đầu tư dự án Tháp Eximbank với mức tổng đầu tư dự kiến hơn 3.538 tỷ đồng.
Tuy nhiên do nhiều lý do, trong đó có quy định của Luật các TCTD không cho phép ngân hàng kinh doanh bất động sản, HĐQT Eximbank ngày 23/6/2014 đã có Nghị quyết số 27 chấp thuận chủ trương cho thay đổi quy mô, chức năng của Dự án: bỏ chức năng căn hộ, chỉ còn chức năng văn phòng làm việc Eximbank, với 3 tầng hầm và 20 tầng cao.
Trong mùa Đại hội cổ đông năm 2016, HĐQT Eximbank đã trình chủ trương chọn đối tác trong và ngoài nước để liên doanh, hợp tác với tiêu chí: giảm chi phí đầu tư của Eximbank ở mức thấp nhất. Theo đó, nhà băng này dự định chỉ góp vốn bằng quyền sử dụng đất, phía đối tác đầu tư vốn để xây dựng. Sau khi dự án hoàn thành, Eximbank sở hữu một phần mặt bằng văn phòng của tòa nhà.
Tại ĐHĐCĐ bất thường lần thứ 2 diễn ra hồi tháng 5/2016, các cổ đông của Eximbank đã không tiếc lời chỉ trích về dự án này vì ngân hàng liên tục thay đổi phương án.
Năm 2017, Eximbank đã quyết định chọn phương án đầu tư Toà tháp văn phòng 40 tầng, hình thức đầu tư là Eximbank chỉ góp vốn là giá trị đất và không góp tiền.
Năm 2018, ngân hàng tìm kiếm được 16 nhà đầu tư trong và ngoài nước gửi thư bày tỏ quan tâm dự án. Eximbank chọn 3 nhà đầu tư và gửi xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước nhưng đến nay NHNN vẫn chưa có trả lời chính thức.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 lần 2, tổ chức ngày 15/2/2022 vừa qua, ngân hàng vẫn trình cổ đông phương án Exmbank góp giá trị quyền sử dụng đất, còn nhà đầu tư sẽ đầu tư xây dựng toà nhà văn phòng và thực hiện phân chia sản phẩm phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề này cuối cùng không được ĐHĐCĐ thông qua.
Như vậy, đến hiện tại, Eximbank lại thay đổi phương án, muốn tự bỏ tiền ra để xây dựng toà nhà.
https://cafef.vn/eximbank-lai-thay-doi-phuong-an-muon-tu-bo-tien-de-xay-du-an-tru-so-chinh-tren-lo-dat-vang-tphcm-20220407110319963.chnNguồn: