FE Credit, HD Saison, M Credit làm ăn ra sao trong quý 3 khi khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh?

27/11/2024
Cả 3 công ty dẫn đầu về thị trường tài chính tiêu dùng đều ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý 3/2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh: doanh thu, dư nợ cho vay giảm rõ rệt. Trong đó, một công ty lần đầu bị lỗ.

Với sản phẩm chính là cho vay trả góp, thẻ tín dụng,…hướng đến đối tượng khách hàng chủ yếu là những người thu nhập thấp, các công ty tài chính tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua và kiếm về những khoản lợi nhuận kếch xù.

Thế nhưng trong 2 năm trở lại đây, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều người lao động mất việc hoặc giảm thu nhập đã dẫn đến nhiều khó khăn cho các công ty tài chính. Đặc biệt, trong quý 3/2021, khi làn sóng Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam buộc nhiều tỉnh/thành phải thực hiện giãn cách kéo dài, kết quả kinh doanh của các công ty tài chính đi xuống rõ rệt.

FE Credit bị lỗ trong quý 3/2021

Theo tài liệu được VPBank (ngân hàng mẹ của FE Credit) cập nhật gần đây, doanh số giải ngân của FE Credit trong 9 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 42 nghìn tỷ, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2020. Dư nợ cho vay cuối tháng 9/2021 của FE Credit là 62,4 nghìn tỷ, giảm 3,4% so với cùng kỳ.

Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm của công ty đạt 11.900 tỷ đồng, thấp hơn mức 13.000 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm 2020 và 13.500 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019.

Lợi nhuận trước thuế của FE Credit trong 9 tháng đầu năm ở mức 900 tỷ đồng, chỉ còn đóng góp 7% cho tổng lợi nhuận của VPBank (ngân hàng mẹ của FE Credit). Trong khi trước đó, 6 tháng đầu năm công ty này báo lãi trước thuế 1.200 tỷ.

Như vậy, trong quý 3/2021, FE Credit đã ghi nhận lỗ 300 tỷ đồng, kết quả chưa từng có của công ty tài chính đứng đầu Việt Nam.

Tuy nhiên, điểm tích cực là tỷ lệ an toàn vốn của FE Credit tiếp tục được nâng cao lên 21,6% vào thời điểm cuối tháng 9/2021, tăng mạnh so với mức 17,3% cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ CIR (chi phí/thu nhập hoạt động) cũng được cải thiện từ 29,7% cuối tháng 9/2020 xuống còn 28,4% cuối tháng 9/2021.

FE Credit, HD Saison, M Credit làm ăn ra sao trong quý 3 khi khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh? - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh của FE Credit - Nguồn: VPBank

Trên thực tế, việc kết quả kinh doanh FE Credit sụt giảm là điều đã được dự kiến trước, mà lãnh đạo VPBank cho biết đều nằm trong chiến lược. Trong giai đoạn hiện nay, công ty tập trung giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh và nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới.

FE Credit cũng đã triển khai một số hoạt động hỗ trợ khách hàng tái cơ cấu nợ, giảm lãi trong thời gian gần đây. Công ty cho biết, đã có tới 400 nghìn khoản vay, trị giá khoảng 2 nghìn tỷ đồng được hưởng lãi suất ưu đãi.

Mới đây, VPBank đã hoàn tất thủ tục cuối cùng khi bán 49% vốn công ty tài chính này cho SMBC – định chế tài chính lớn của Nhật Bản với định giá FE Credit tới 2,8 tỷ USD. Đây là khoản đầu tư lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài vào ngành tài chính Việt Nam từ trước đến nay. Việc thoái vốn này không chỉ đem về cho VPBank một nguồn thu lớn mà còn mở ra triển vọng tăng trưởng của FE Credit trong tương lai khi có sự tham gia của SMBC.

HD Saison: Lợi nhuận quý 3/2021 hơn 200 tỷ, dư nợ cho vay sụt giảm

Tương tự FE Credit, HD Saison cũng bị tác động do dịch bệnh. Tổng tài sản của công ty tài chính này cuối quý 3/2021 là 13,1 nghìn tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 15,8 nghìn tỷ cuối quý 2 và 16,1 nghìn tỷ hồi đầu năm.

Dư nợ cho vay của HD Saison cuối tháng 9/2021là 12.305 tỷ, giảm hơn 2.000 tỷ đồng trong quý 3. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ổn định ở mức 5,8% trong 2 quý đầu năm thì đến hết quý 3 đã tăng lên 7,4%.

Lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2021 của HD Saison đạt 795 tỷ đồng, nhỉnh hơn mức 777 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020. Riêng trong quý 3/2021, ước tính lợi nhuận trước thuế của HD Saison là 205 tỷ đồng, thấp hơn mức 218 tỷ đồng đạt được cùng kỳ.

Mặc dù lợi nhuận tăng trưởng chậm lại, 9 tháng đầu năm, HD Saison tiếp tục mở rộng mạng lưới điểm giao dịch thêm 1.800 điểm lên 21.313 điểm trên toàn quốc.

HD Saison cũng tiếp tục gia tăng lợi thế ở mảng cho vay trả góp mua xe máy, với thị phần đạt 39% vào cuối quý 3/2021, tăng thêm 7% so với cuối quý 2. Biên lãi thuần (NIM) của công ty cuối tháng 9/2021 đạt 29%. Tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập giảm từ 50,6% hồi đầu năm xuống còn 46,3%.

FE Credit, HD Saison, M Credit làm ăn ra sao trong quý 3 khi khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh? - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh của HD Saison. Nguồn: HDBank

M Credit lãi trước thuế 86 tỷ trong quý 3/2021

Tại M Credit, 9 tháng đầu năm, công ty tài chính tiêu dùng này ghi nhận doanh thu đạt 3.190 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 432 tỷ, tăng 105%.

Ước tính, riêng trong quý 3/2021, doanh thu của M Credit đạt 1.022 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt 86 tỷ đồng, giảm mạnh so với 2 quý trước đó.

Thời gian qua, công ty này đã hỗ trợ cho 18.493 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với tổng dư nợ đã được cơ cấu lại là hơn 381 tỷ đồng, miễn giảm lãi cho 29.320 khách hàng với tổng dư nợ được miễn giảm lãi lũy kế là gần 486 tỷ đồng.

Khó khăn bủa vây các công ty tài chính

Theo thông tin tại Hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm của nhóm các công ty tài chính do Hiệp hội ngân hàng tổ chức, tổng dư nợ tín dụng của các hội viên đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020; tỷ lệ nợ xấu bình quân: 9-10% trong khi tỷ lệ này vào thời điểm cuối năm 2020 đạt khoảng 6% và dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng.

Bức tranh này cho thấy, không chỉ 3 công ty tài chính nói trên, mà rất nhiều công ty tài chính khác cũng rơi vào khó khăn trong thời gian trở lại đây.

Hoạt động của các công ty tài chính có tính đặc thù, đối tượng vay vốn chủ yếu là những người lao động có thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội; địa bàn phân tán; món vay nhỏ lẻ... chi phí đầu vào cao đẩy lãi suất cho vay cao hơn rất nhiều lần so với lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Việc thẩm định, xác minh, quản lý hồ sơ vay vốn, việc thu nợ khó khăn do những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của người lao động và sự hiểu biết của các đối tượng vay tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, nợ xấu tăng mạnh.

Nhiều khách hàng là F1, F0 hoặc ở trong khu vực giãn cách không thể giao tiếp được với các công ty để làm các thủ tục theo quy định, đa phần các Điểm giới thiệu dịch vụ đều phải duy trì số lượng tối thiểu cán bộ nhân viên (làm việc luân phiên hoặc 3 tại chỗ) và/hoặc tạm thời đóng cửa, dẫn đến khó khăn trong việc giao dịch với khách hàng để giới thiệu sản phẩm cũng như thu phí dịch vụ, thu nợ, xử lý nợ xấu,... (do khách hàng phải hạn chế đi lại, các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ bị đóng cửa).

Những yếu tố này vừa tác động lớn đến doanh số giải ngân và thu nợ dẫn tới phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao, đồng thời cũng hạn chế tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm.

Nguồn: