'Fintech tại Việt Nam đang phát triển mạnh và hoang dã'

12/12/2024
Theo nhóm chuyên gia Hội tin học TP HCM, các Fintech đang có môi trường tốt để phát triển nhưng thiếu giải pháp chính sách hỗ trợ cụ thể.

Nhận định về tình hình phát triển của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) tại "Hội thảo Toàn cảnh CNTT-TT VIO 2019 - Định hình tương lai Fintech Việt Nam" vừa diễn ra, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch và Đại diện nhóm chuyên gia của Hội tin học TP HCM (HCA) cho biết, hệ sinh thái cho Fintech đang có nhiều thuận lợi.

Cụ thể, tỷ lệ sử dụng Internet và smartphone hiện lần lượt vào khoảng 69% và 72%. Thương mại điện tử phát triển mạnh nhưng tỷ lệ sử dụng dịch vụ ngân hàng chỉ mới 59% dân số; giao dịch không dùng tiền mặt tính theo đầu người: 4,9%. So với Thái Lan (59,7%), Malaysia (89%) hay Trung Quốc (26,1%) thì còn rất thấp.

Chính sách ở tầm vĩ mô cũng là cơ sở thuận lợi cho Fintech phát triển. Kế hoạch giảm giao dịch tiền mặt từ 2017 đến 2020 của Ngân hàng Nhà nước là sẽ giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt xuống dưới 10% tổng giao dịch; 70% thanh toán tiền điện nước, viễn thông của cá nhân, gia đình không dùng tiền mặt và 50% hộ gia đình thành thị dùng thanh toán điện tử tròn các giao dịch hàng ngày.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội tin học TP HCM chia sẻ tại sự kiện VIO 2019. Ảnh: HCA

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội tin học TP HCM chia sẻ tại sự kiện VIO 2019. Ảnh: HCA

"Dù Việt Nam có môi trường tốt cho các công ty Fintech phát triển, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước lại thiếu giải pháp cụ thể. Việt Nam và Philippines là 2 trong 6 nước đang phát triển Fintech ở khu vực là chưa có cơ chế thử nghiệm (sandbox). Đây là điểm cần cải thiện trong khi các nước khác có chính sách rất cụ thể để triển khai", ông Lâm Nguyễn Hải Long nhận định.

Bình luận vấn đề này, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết Bộ đang trình Thủ tướng Dự thảo Chỉ thị phát triển doanh nghiệp công nghệ số với nhiều giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ, tin rằng các doanh nghiệp Fintech Việt Nam sẽ hiện thực hóa được chủ trương 'Make in Viet Nam'.

"Đây là con đường phát triển tất yếu để Việt Nam có ngành tài chính, ngân hàng không chỉ hiện đại mà còn tự chủ", ông Phan Tâm nói Bộ cũng đang nhận nhiệm vụ của Thủ tướng việc thành lập Trung tâm CMCN 4.0 liên kết với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Trung tâm này sẽ là nơi các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp của Việt Nam cùng các chuyên gia trong mạng lưới Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 (C4IR) của WEF trên toàn cầu nghiên cứu xây dựng các chính sách thúc đẩy các ứng dụng Al, chuỗi khối, quản trị dữ liệu, thương mại số...

Số liệu của Vụ Thanh toán- Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện có hơn 150 công ty Fintech hoạt động ở Việt Nam, chủ yếu về trung gian thanh toán (chiếm khoảng 60,5%) và gọi vốn cộng đồng (khoảng 10,5%). 72% Fintech hoạt động theo mô hình liên kết với ngân hàng; 14% là triển khai dịch vụ hoàn toàn mới.

"Các Fintech đừng quá mải mê với giải pháp và kinh doanh say sưa quá mà phải thấy rằng hành lang pháp lý để hoạt động mới quan trọng. Vì vậy, nên tích cực đóng góp xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế sandbox", ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng khuyến nghị.

Theo Ngân hàng Nhà nước, cơ chế thử nghiệm cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Sanbox) sẽ có lộ trình gồm 3 bước. Bước 1, trình Thủ tướng phê duyệt Đề án cơ chế thử nghiệm cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Bước 2, trên cơ sở quyết định của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các bộ ngành để xây dựng nghị định cho cơ chế. Sau đó, bước 3 sẽ là triển khai xem xét và chấp thuận tham gia sandbox).

Viễn Thông

Nguồn: