Fintech thanh toán chưa bị siết 'room' vốn ngoại

22/11/2024
Sau khi lấy ý kiến, Ngân hàng Nhà nước sẽ không áp dụng tỷ lệ giới hạn (49%) đối với fintech lĩnh vực trung gian thanh toán.

Đầu tháng 11/2019, Ngân hàng Nhà nước công bố Dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt (Nghị định 101), với nội dung nổi bật là giới hạn tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư ngoại tại các fintech hoạt động trung gian thanh toán là 49%. Sau ba tháng lấy ý kiến và đánh giá tác động, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ bỏ quy định này ra khỏi dự thảo.

Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò khá quan trọng với các công ty trung gian thanh toán vốn phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ. Do vậy, việc hạn chế có thể ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán nói riêng và fintech nói chung.

Ngoài ra, hiện nay có một số đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán lớn đã được cấp phép và có tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vượt mức 49% nên việc thay đổi quy định có thể ảnh hưởng đến hoạt động của họ.

Theo số liệu từ ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), đến cuối quý I, cả thị trường có 27 ví điện tử nhưng hơn 90% thị phần thuộc về 5 đơn vị lớn nhất và tất cả đều có sở hữu nước ngoài từ 30% đến 90%. Như Công ty Dịch vụ Di động trực tuyến, đơn vị vận hành ví điện tử MoMo, một trong những ví lớn nhất hiện nay, sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp này theo số liệu trên Cổng thông tin doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch Đầu tư) là 66%.

Ngược lại, quy định giới hạn vốn ngoại mục đích bảo đảm vai trò chủ động của các doanh nghiệp trong nước, tránh sự thao túng của nhà đầu tư nước ngoài, bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia như Singapore, Indonesia... cũng có những chính sách tương tự trong điều hành với lĩnh vực thanh toán.

Ngoài ra, dự thảo cũng nêu quy định với hoạt động đại lý thanh toán. Ngân hàng được giao cho bên đại lý cung ứng một phần các dịch vụ thanh toán như nộp/rút tiền mặt vào/ra tài khoản, thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ,...

Điều này nhằm hỗ trợ đưa dịch vụ tài chính tới đông đảo người dân bằng việc tăng cường đưa dịch vụ tài chính tới những người dân vốn trước đây chưa có tài khoản ngân hàng, khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa,.. Bên cạnh đó, quy định này cũng giúp cho ngân hàng có thể tiếp cận khách hàng mà không phải mở rộng mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh. 

Quỳnh Trang

Nguồn: