Fintech thanh toán dự kiến bị siết room ngoại dưới 49%

06/01/2025
5 Fintech chiếm 90% thị phần thanh toán đều có vốn ngoại trên 30%, thậm chí có doanh nghiệp tới 90%, theo chia sẻ của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo lấy ý kiến thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó bao gồm nhiều nội dung mới trung gian thanh toán, tiền điện tử, tiền di động (mobile money).

Với trung gian thanh toán, dự thảo mới quy định tỷ lệ tối đa vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài tại Fintech thanh toán là 49% vốn điều lệ, bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp. Trường hợp Fintech thanh toán hoạt động đa ngành, có quy định khác nhau về sở hữu nước ngoài, "room" ngoại sẽ không vượt quá mức thấp nhất. 

Đây là điểm mới so với Nghị định 101 năm 2012 về thanh toán không dùng tiền mặt và cũng là lần đầu Ngân hàng Nhà nước quy định về sở hữu nước ngoài với các Fintech thanh toán. Các Fintech thanh toán được cấp phép trước ngày Nghị định sửa đổi có hiệu lực, có tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài cao hơn 49% sẽ được duy trì cho đến khi có sự thay đổi nhà đầu tư nước ngoài hoặc hết thời hạn giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Một khách hàng thanh toán viện phí bằng ứng dụng ví điện tử.

Một khách hàng thanh toán viện phí bằng ứng dụng ví điện tử.

Theo số liệu từ ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), đến cuối quý I, cả thị trường có 27 ví điện tử nhưng hơn 90% thị phần thuộc về 5 đơn vị lớn nhất và tất cả đều có sở hữu nước ngoài từ 30% đến 90%. Ví dụ như Công ty Dịch vụ Di động trực tuyến, đơn vị vận hành ví điện tử Momo, một trong những ví lớn nhất hiện nay, sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp này theo số liệu trên Cổng thông tin doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch Đầu tư) là 66%.

Vấn đề siết "room" ngoại với các Fintech thanh toán trở thành đề tài nóng gần đây với nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia.

Ông Phùng Anh Tuấn, Tổng thư ký VAFI cho rằng Fintech thanh toán hiện rất cần vốn để phát triển, nếu giới hạn đầu tư nước ngoài sẽ rất khó để kêu gọi những nguồn vốn lớn hoặc các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Còn theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), sự tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ tài chính và Fintech thanh toán sẽ phụ thuộc vào việc triển khai khung pháp lý, quy định và chính sách đầu tư. Tuy nhiên, việc áp trần sở hữu nước ngoài sẽ hạn chế đáng kể khả năng huy động vốn ngoại của các công ty Fintech Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, một số chuyên gia cho rằng, việc giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài là cần thiết khi thanh toán là một trong những lĩnh vực quan trọng của hệ thống tài chính quốc gia. Nếu không giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài với Fintech thanh toán, việc xuất hiện một số tổ chức nước ngoài với tiềm lực lớn có thể làm méo mó môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng phát triển của những Fintech nội. Bên cạnh đó, sự lo ngại về an toàn thông tin cá nhân, thông tin tín dụng cũng là một nội dung cần cân nhắc.

Giải thích về vấn đề áp "room" ngoại cho Fintech thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy định này sẽ bảo đảm được vai trò chủ động của các doanh nghiệp trong nước, tránh sự thao túng của nhà đầu tư nước ngoài, bảo đảm an ninh, an toàn, chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng có những chính sách tương tự trong điều hành với lĩnh vực thanh toán.

Ví dụ Indonesia, văn bản pháp lý của ngân hàng trung ương nước này quy định tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức trong nước tối thiểu 80% vốn sở hữu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thanh toán. "Cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán là loại hình hoạt động mới, dự báo thị trường đầy tiềm năng, vì vậy việc tạo môi trường kinh doanh phục vụ vì lợi ích quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp trong nước là thực sự cần thiết", Ngân hàng Nhà nước giải thích. 

Minh Sơn

Nguồn: